Ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.960 VND/USD, giảm 10 đồng so với ngày trước đó. Với biên độ dao động 5%, các ngân hàng thương mại hiện được phép giao dịch trong khoảng 23.712 - 26.208 VND/USD. Cùng lúc, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng được điều chỉnh giảm xuống 23.762 (mua vào) và 26.158 VND/USD (bán ra).
Tỷ giá ngân hàng đi ngang, chợ đen nhích tăng
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD ít biến động. Chốt phiên, Vietcombank, đơn vị có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.720 - 26.110 VND/USD, không đổi so với phiên trước. Tương tự, VietinBank giữ nguyên cả hai chiều giao dịch, ở mức 25.750 - 26.110 VND/USD.
Trên thị trường chợ đen, tỷ giá đồng USD biến động hơn, giao dịch ở mức 26.450 - 26.550 VND/USD, tăng 70 đồng chiều mua và 50 đồng chiều bán so với ngày hôm qua.
![]() |
Biến động tỷ giá USD/VND tháng qua. Ảnh: T.L. |
Tỷ giá ngân hàng thêm 1 tuần hạ nhiệt Về diễn biến trong tuần qua (12-16/5), tỷ giá trung tâm tăng nhẹ 9 đồng, trong đó có 1 phiên tăng mạnh 28 đồng, ba phiên giảm nhiệt. Tỷ giá USD các ngân hàng thương mại tiếp tục nối dài thêm 1 tuần hạ nhiệt, với nhiều phiên đi ngang và giảm nhẹ, tương ứng giảm khoảng 40 đồng chiều bán ra. Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua biến động ngược chiều, tăng 75 đồng. |
Trong tuần từ 12-16/5, tỷ giá USD/VND có xu hướng ổn định ở kênh chính thức nhưng tăng nhẹ ở thị trường tự do.
Theo đó, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố có biến động nhẹ, mức tăng giảm trong tuần chủ yếu ở biên độ hẹp và có tới 4/5 phiên giảm hoặc đi ngang. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra USD có xu hướng giảm nhẹ, hầu hết các phiên giảm nhiệt. Diễn biến này cho thấy thị trường đang trong trạng thái cân bằng tương đối.
Trái chiều với sự ổn định của tỷ giá trung tâm và giảm nhẹ từ phía ngân hàng, thị trường tự do lại ghi nhận xu hướng tăng phiên đầu tuần và cuối tuần. Từ mức 26.500 VND/USD duy trì trong phần lớn tuần, tỷ giá tự do tăng lên 26.550 vào ngày 16/5, tăng 50 đồng chiều bán ra so với phiên trước.
Tỷ giá EUR tại ngân hàng cũng tiếp đà hạ nhiệt. Cập nhật cuối ngày 15/5, Vietcombank niêm yết ở mức 28.298,07 - 29.843,73 VND/EUR, giảm tới 157 đồng chiều mua và 170 đồng chiều bán. BIDV giao dịch ở 28.618 - 29.861 VND/EUR, giảm lần lượt 137 đồng và 145 đồng hai chiều.
Chính sách thuế quan chưa ngã ngũ, rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của USD so với rổ tiền tệ chủ chốt, giảm nhẹ tuần qua và thấp nhất trong vòng 3 năm qua, nhưng vẫn duy trì mốc trên 100 điểm.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ yếu hơn dự kiến, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm mạnh nhất trong 5 năm, củng cố lập luận cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến cắt giảm lãi suất cuối năm hỗ trợ đà tăng trưởng. Đồng thời, các dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại toàn cầu đang dịu đi làm thay đổi tâm lý của các nhà đầu tư, kéo đồng bạc xanh xuống thấp hơn so với các loại tiền tệ chính.
![]() |
Thị trường tiền tệ tuần 12-16/5: Tỷ giá giữ nhịp, thị trường thận trọng trước ẩn số. Ảnh: T.L. |
Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, dù chỉ số DXY giảm 4,5% trong tháng 4, tỷ giá USD/VND tăng 1,6% tháng qua và tăng tổng cộng 2% từ đầu năm đến nay.
Tỷ giá USD/VND tăng xuất phát từ một số lý do: lo ngại về khả năng áp thuế quan đối ứng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và xuất khẩu của Việt Nam; lo ngại về căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể dẫn đến đồng CNY chịu áp lực giảm giá; giá vàng trong nước tăng mạnh vào tháng 4, đặc biệt giá vàng SJC tăng mạnh 19,2% trong tháng 4; nhu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Thận trọng chờ đợi kết quả thuế quan "Hiện tâm lý thị trường ngoại hối vẫn thận trọng khi các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi kết quả đàm phán về thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ" - Chứng khoán Vietcap nhìn nhận. |
Còn theo nhìn nhận của nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khác với mô thức được ghi nhận trong quá khứ là dòng tiền tìm đến các tài sản USD như “vịnh tránh bão” trong bối cảnh bất định hoặc rủi ro suy thoái toàn cầu gia tăng, chính sách thuế quan của Trump khiến nhà đầu tư nghi ngờ về vai trò trú ẩn của đồng USD. Đây lại là yếu tố thuận lợi với diễn biến tỷ giá.
Tuy nhiên, bất lợi với triển vọng tỷ giá chính là sự không chắc chắn về kịch bản thuế quan sau đàm phán gây quan ngại về triển vọng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài.
"Trong ngắn hạn, NHNN có dư địa để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng trong biên độ cho phép từ 3-5% trong năm 2025. Ở kịch bản tiêu cực, cú sốc thuế 46% đối với mặt hàng xuất khẩu có thể khiến tiền đồng mất giá mạnh hơn để cân bằng với áp lực do thuế quan gây ra ở thị trường xuất khẩu" - VDSC đánh giá.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép, NHNN quay trở lại hút ròng 29.493,47 tỷ đồng. Tuần qua, NHNN cung ứng thanh khoản cho thị trường thông qua kênh thị trường mở (OMO), với khối lượng đạt 18.397,26 tỷ đồng trong tuần qua 12-16/05, thấp hơn đáng kể tuần trước đó (38.094,34 tỷ đồng). Tuy nhiên, khối lượng các khoản vay cầm cố đáo hạn lên tới 47.890,73 tỷ đồng. Lượng OMO đang lưu hành giảm còn 46.226,65 tỷ đồng.
Lãi suất VND liên ngân hàng giảm diện rộng Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 15/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND kỳ hạn qua đêm duy trì dưới 4% và giảm so với cuối tuần trước ở mức 3,92% (giảm 17 điểm cơ bản); 1 tuần 4,08% (giảm 16 điểm cơ bản); 2 tuần: 4,16% (giảm 15 điểm cơ bản); 1 tháng: 4,33% (giảm 4 điểm cơ bản); 3 tháng: 4,68% (giảm 10 điểm cơ bản).
Nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap cho rằng, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp trong tháng 5 do NHNN và các ngân hàng thương mại tuân theo chỉ đạo về việc duy trì môi trường lãi suất thấp. |