Toàn bộ giá trị mua ròng kể từ đầu năm bị "bào mòn" gần hết chỉ sau 2 tháng

Phiên giao dịch 31/5 đã khép lại tháng tăng điểm của VN-Index với mức tăng 2,48%. Chỉ số đóng cửa tại mức 1.075,17 điểm và vẫn đang có cơ hội rộng mở để lấy lại xu hướng tăng dài hạn. Theo thống kê, hiện trên HOSE đã có khoảng 57% số mã đạt được xu hướng tăng dài hạn sau 5 tháng giao dịch.

Điều đáng tiếc khối ngoại lại có tháng bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với 3.127 tỷ đồng. Đây đã là tháng thứ 2 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong tháng 4, họ đã bán ròng 1.474 tỷ đồng.

Một điểm nhấn từ sàn HOSE là cho đến thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ giá trị mua ròng lũy kế từ đầu năm 2023 đã bị "bào mòn" gần hết sau 2 tháng. Hiện khối ngoại chỉ còn mua ròng gần 60 tỷ đồng trên HoSE trong khi đó HNX và UPCoM đều đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Toàn bộ giá trị mua ròng kể từ đầu năm bị "bào mòn" gần hết chỉ sau 2 tháng  ảnh 1

Hoạt động thoái vốn và chốt lời đã xuất hiện rõ hơn từ tháng 4.

Đứng đầu trong top bán ròng của khối ngoại trên HOSE là EIB (-4.054 tỷ đồng) với hầu hết các giao dịch được thực hiện qua thỏa thuận. Hiện EIB đã giảm 12,84% từ đầu năm.

Đứng thứ 2 là VNM (-1.145 tỷ đồng) với 4/5 tháng đều bị khối ngoại bán ròng. Sau khi giảm 13,14% từ đầu năm, VNM vẫn chưa có dấu hiệu tìm được đáy. Ở 2 phiên gần nhất, VNM lại quay sang trạng thái kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ ở vùng giá 66.000 đồng/cổ phiếu. Trạng thái của VNM là một nghịch lý đã được ghi nhận khi cả thị trường chung đang có dấu hiệu tốt lên rõ rệt.

Toàn bộ giá trị mua ròng kể từ đầu năm bị "bào mòn" gần hết chỉ sau 2 tháng  ảnh 2

Top mua/bán ròng của HOSE trong 5 tháng đầu năm 2023.

Một số mã như DPM, DGC, MSN, DCM, KDC, PVT cũng có hiện tượng giảm giá cùng với việc bị bán ròng mạnh trong đó MSN đã giảm hơn 22%.

Chiều ngược lại, 9/10 mã được khối ngoại mua ròng đều tăng giá. Cổ phiếu còn lại trong top 10 không tăng giá là VIC nhưng cũng chỉ giảm hơn 3%.

Vì vậy, nhìn chung, việc giá trị mua ròng trên HOSE bị "bào mòn" gần hết có nguyên nhân chính đến từ việc thoái lui của cổ đông chiến lược tại EIB và hoạt động bán ra của các quỹ tại các cổ phiếu như VNM, STB, DPM, CTG.

Hiện cả quỹ chủ động và thụ động đều đang có những động thái rút tiền trong giai đoạn vừa qua. Theo đánh giá của SSI về dòng vốn ngoại, trong bối cảnh quốc tế, phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ và do vậy dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng.

Trong thời gian tới, áp lực rút ròng sẽ đến nhiều từ các quỹ chủ động, tuy nhiên bất kì cơ hội điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều trên thị trường.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) cho biết, động thái chốt lời của khối ngoại trong bối cảnh này là không khó hiểu khi lạm phát Mỹ đã suy giảm nhưng thị trường lao động vẫn đang ở mức độ chậm. Do đó, không thể loại trừ khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 7 tới đây, dù xác suất này không cao. Trong trường hợp đó, lãi suất Việt Nam rất là khó có cửa để tiếp tục hạ thêm.

Dự đoán về xu hướng bán ròng của khối ngoại, ông Tuấn cho biết, họ sẽ tiếp tục xu hướng chốt lời 1 phần nữa khi mà họ đã mua vào 1 lượng định giá tương đối thấp khi thị trường giao động từ 900 đến 1.000 điểm trong cuối năm ngoái đầu năm nay.

Xem thêm tại nhipsongkinhdoanh.vn