Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025
Tỷ lệ CIR của nhiều ngân hàng giảm
Theo thống kê của Wichart từ báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) trung bình toàn ngành ngân hàng tính đến hết quý I/2025 đạt 31,32%, giảm so với các kỳ trước. Ngoài ra, có 14 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CIR trong quý I/2025 thấp hơn mức bình quân 12 tháng gần nhất.
Tính đến hết ngày 31/3/2025, SHB là ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất trong hệ thống, đạt 17,51%, giảm so với mức bình quân 23,99% của 12 tháng gần nhất. Theo sau là SeABank với tỷ lệ CIR quý I/2025 là 17,77%, thấp hơn mức trung bình 27,4% của 12 tháng gần nhất. Đây cũng là hai ngân hàng duy nhất trong hệ thống ghi nhận tỷ lệ CIR dưới 20% trong quý I/2025.
Những ngân hàng còn lại trong top 10 ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất hệ thống trong quý I/2025 gồm có VPBank (24,89%), MB (25,78%), VietinBank (26,98%), HDBank (27,43%), LPBank (28,04%), Techcombank (28,29%), Vietcombank (32,74%) và BIDV (33%).

Trái lại, dù đã giảm đáng kể so với tỷ lệ trung bình 12 tháng gần nhất, song tỷ lệ CIR trong quý I/2025 của một số ngân hàng vẫn đang neo ở ngưỡng cao, đơn cử như SaigonBank (51,75%), KienLong Bank (51,05%), STB (50,37%), Eximbank (46,96%),…
Tỷ lệ CIR là chỉ số phản ánh hiệu quả vận hành của từng ngân hàng. Tỷ lệ CIR càng thấp đồng nghĩa với hiệu suất hoạt động của ngân hàng càng cao, do ngân hàng tiêu tốn ít chi phí hơn để tạo ra một đồng doanh thu.
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ CIR của mỗi ngân hàng không chỉ phản ánh hiệu quả vận hành mà còn chịu ảnh hưởng đáng kể từ chiến lược phát triển ở từng giai đoạn. Chẳng hạn, các ngân hàng trong quá trình mở rộng quy mô hoặc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng và công nghệ thường ghi nhận chi phí vận hành tăng, khiến tỷ lệ CIR tạm thời ở mức cao. Nhưng khi các dự án hoàn tất và đi vào vận hành, giá trị tạo ra sẽ dần phản ánh vào hiệu quả kinh doanh, giúp tỷ lệ CIR từng bước được cải thiện.
Ngân hàng đổ hàng nghìn tỷ vào công nghệ
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tỷ lệ CIR của toàn ngành ngân hàng trong quý I/2025 giảm không chỉ phản ánh hiệu quả quản lý chi phí mà còn là kết quả rõ ràng từ chiến lược chuyển đổi số và đầu tư công nghệ mạnh mẽ của các ngân hàng. Việc tối ưu hóa quy trình và ứng dụng công nghệ đã giúp các ngân hàng giảm chi phí vận hành, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, từ đó góp phần cải thiện các chỉ số như tỷ lệ CIR trong ngắn hạn.
Tính riêng trong năm 2024, 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã đầu tư tổng cộng hơn 32,4 nghìn tỷ đồng cho công nghệ, chiếm 14,8% tổng chi phí hoạt động toàn ngành. Đồng thời, đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong 4 năm gần đây.
Bước sang năm 2025, chuyển đổi số tiếp tục là một trong những mục tiêu trọng yếu của ngành ngân hàng. Tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2025, nhiều ngân hàng xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh các ưu tiên khác như kiểm soát nợ xấu và ứng phó với những biến động từ chính sách thuế quan.
Lãnh đạo MB cho biết, ngân hàng dự kiến phân bổ 80% ngân sách đầu tư công nghệ cho an ninh bảo mật, tập trung vào việc nâng cao khả năng chống phần mềm gián điệp và đảm bảo an toàn cho ứng dụng ngân hàng.
Hay như ACB, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết, những năm qua, ngân hàng đã có sự đầu tư rất lớn về công nghệ, bao gồm đầu tư liên quan đến hạ tầng kỹ thuật và bảo mật an toàn hệ thống. ACB đã dành khoảng 1.000 tỷ đồng/năm để đầu tư cho hoạt động này. Thời gian tới, ACB sẽ tiếp tục đầu tư cho ngân hàng số, ứng dụng công nghệ AI.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng đã tác động lên số lượng nhân sự của nhiều ngân hàng. Ghi nhận trong quý I/2025, số lượng nhân sự của 27 ngân hàng niêm yết đã giảm 2.143 người so với cuối năm 2024, xuống còn 277.024 người. Trong đó, nhiều ngân hàng đã cắt giảm tới hàng nghìn nhân sự chỉ trong 1 quý, như LPBank (giảm 1.619 người), Sacombank (giảm 970 người), VIB (giảm 522 người),…

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, nhiều ngân hàng cũng chia sẻ kế hoạch cắt giảm nhân sự khi chuyển đổi số “lên ngôi”. Phó Chủ tịch HĐQT ABBank Vũ Văn Tiền cho biết, trong năm 2024, ngân hàng đã cắt giảm 30 – 40% nhân sự ở một số khối và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2025 bởi “trong thời đại số hóa, một người có thể làm được công việc của nhiều người”. Tương tự, lãnh đạo TPBank cũng tiết lộ sẽ tiết giảm thêm 300 - 500 nhân sự, từ đó, giảm thêm chi phí vận hành, tối ưu hóa hoạt động.
Trái lại, cũng có không ít ngân hàng tiếp tục mở rộng quy mô nhân sự dù vẫn đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Tính đến hết quý I/2025, BIDV là ngân hàng có số lượng nhân sự tăng thêm cao nhất hệ thống, tăng thêm 354 người. Theo sau là Techcombank với mức tăng thêm 347 người và Eximbank với mức tăng thêm 195 người.
Chia sẻ với cổ đông, ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT MB, khẳng định quan điểm của ngân hàng khi triển khai chuyển đổi số không nhằm mục tiêu cắt giảm nhân sự mà để nâng cao năng suất lao động của cán bộ nhân viên. Theo ông Trung, chuyển đổi số giúp đơn giản hóa quy trình công việc, đồng thời tạo điều kiện để nhân viên chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ có giá trị gia tăng cao hơn.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Techcombank cũng cho biết ngân hàng không đặt mục tiêu cắt giảm nhân sự, mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện năng suất làm việc của đội ngũ nhân viên.
Theo chia sẻ của một chuyên gia trong ngành ngân hàng, có hai hướng ứng dụng chuyển đổi số và AI trong ngành ngân hàng, đó là hiệu suất và hệ thống. Nếu ngân hàng ứng dụng chuyển đổi số và AI nhằm hỗ trợ công việc cho nhân viên, ngân hàng đó thường sẽ không có xu hướng cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, nếu chiến lược là tập trung vào chuyển đổi số và xây dựng hệ thống AI,…, ngân hàng có thể mạnh tay cắt giảm nhân sự. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng, dù với chiến lược nào, những nhân sự thiếu kỹ năng công nghệ sẽ bị thay thế bởi những người có khả năng ứng dụng công nghệ và AI.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn