Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thoái vốn tại 2 đơn vị

Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 29/1 sẽ tổ chức 2 phiên bán đấu giá cổ phần để thoái vốn tại 2 doanh nghiệp do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP sở hữu, gồm 437.400 cổ phần (tương đương 10,15% vốn điều lệ) của CTCP Hàng hải Sài Gòn (mã SHC) và 1.323.000 cổ phần (tương đương 26,46% vốn điều lệ) của CTCP Vận tải biển Hải Âu (mã SSG).

Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần SHC là 22.600 đồng và không hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, giá khởi điểm cho mỗi cổ phần SSG là 22.300 đồng và người nước ngoài không được phép mua. Mức giá khởi điểm này cao gấp hơn 2 lần so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/1 của 2 mã cổ phiếu.

Được biết, CTCP Hàng hải Sài Gòn có địa chỉ tại số 442 - Nguyễn Tất Thành, phường 18 (quận 4, TP.HCM), ngành nghề kinh doanh là dịch vụ vận tải, kho bãi với vốn điều lệ hơn 43,09 tỷ đồng. Ngoài trụ sở chính tại TP.HCM, Công ty còn mở rộng các chi nhánh tại Hải Phòng và văn phòng đại diện tại An Giang, Cần Thơ, tạo mạng lưới đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất.

Mặc dù từng bị hủy niêm yết bắt buộc vào năm 2013 do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ, nhưng số liệu CTCP Hàng hải Sài Gòn công bố từ năm 2016 đến nay cho thấy, Công ty liên tục kinh doanh có lãi và đã xóa lỗ lũy kế.

Có thể nói, sự “lột xác” của CTCP Hàng hải Sài Gòn mang nhiều dấu ấn của nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Phú - vị doanh nhân được biết đến với tên Shark Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse.

Shark Phú trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng hải Sài Gòn từ giữa năm 2012, cùng thời điểm em gái ông Phú là bà Nguyễn Thị Vân Anh trở thành Giám đốc công ty này. Tính tới thời điểm ngày 31/3/2023, ông Phú cùng em gái và em rể là ông Nguyễn Minh Thắng (chồng bà Vân Anh) nắm giữ tổng cộng hơn 1,7 triệu cổ phần SHC, tương đương 39,96% vốn điều lệ.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của CTCP Hàng hải Sài Gòn cho thấy, tổng tài sản của Công ty tại thời điểm ngày 30/9/2023 là 86,45 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, Công ty ghi nhận 12 tỷ đồng tiền mặt, 15 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, phải thu ngắn hạn 15 tỷ đồng và không có khoản phải thu dài hạn.

Về nguồn vốn, Công ty không ghi nhận vay và nợ thuê tài chính, trong khi đó, vốn chủ sở hữu là 75,8 tỷ đồng. Ngoài vốn góp của chủ sở hữu 43,09 tỷ đồng, CTCP Hàng hải Sài Gòn ghi nhận khoản thặng dư vốn cổ phần 21,6 tỷ đồng, lãi sau thuế chưa phân phối 11,1 tỷ đồng.

Đối với CTCP Vận tải biển Hải Âu, doanh nghiệp này có địa chỉ tại số 40 - đường số 1, khu phố 3, phường Bình Thuận (quận 7, TP.HCM), hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa giữa các cảng trong nước và quốc tế với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Sau nhiều thăng trầm, hiện CTCP Vận tải biển Hải Âu kinh doanh với 1 tàu Sea Dream có tổng trọng tải 13.316 tấn, đóng tháng 12/2006.

CTCP Vận tải biển Hải Âu cũng từng niêm yết trên HNX từ năm 2011, nhưng phải hủy niêm yết bắt buộc vào năm 2015 do lỗ 3 năm liên tiếp. Chuỗi thua lỗ của Công ty kéo dài đến năm 2017 và bắt đầu ghi nhận kinh doanh có lãi kể từ năm 2018. Nổi bật là năm 2022, hoạt động kinh doanh của Công ty ghi nhận đột phá cả doanh thu và lợi nhuận, qua đó giúp xóa toàn bộ lỗ lũy kế.

Báo cáo tài chính năm 2022 của CTCP Vận tải biển Hải Âu cho thấy, tổng doanh thu đạt 100,5 tỷ đồng, tăng 343% so với năm 2021, trong đó doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải biển là 93,8 tỷ đồng, tăng 320% so với năm 2021. Trừ đi các chi phí, Công ty ghi nhận lãi sau thuế 58,4 tỷ đồng, qua đó xóa toàn bộ lỗ lũy kế và ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 19 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2023, CTCP Vận tải biển Hải Âu ghi nhận doanh thu thuần 24,1 tỷ đồng, lãi sau thuế 5,7 tỷ đồng, dự kiến có thể đảm bảo mức lợi nhuận đề ra từ đầu năm.

Về cơ cấu tài sản, tương tự Hàng hải Sài Gòn, CTCP Vận tải biển Hải Âu cũng ghi nhận khá nhiều tiền “nhàn rỗi”. Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Công ty là 66 tỷ đồng, trong đó gồm 7,9 tỷ đồng tiền mặt, 33,5 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Về nguồn vốn, CTCP Vận tải biển Hải Âu cũng không có vay và nợ thuê tài chính.

Cơ cấu cổ đông tại Công ty hiện có 5 cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần. Ngoài Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, 2 cổ đông tổ chức đang nắm giữ cổ phần là Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ (8,82%) và Quỹ Mirae Asset (8,82%). Cổ đông nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất tại CTCP Vận tải biển Hải Âu là bà Nguyễn Thị Mai Phương.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia - đơn vị tư vấn cho cả 2 phiên chào bán, thì cổ phiếu của 2 doanh nghiệp trên có tính thanh khoản thấp, vì vậy rủi ro của đợt chào bán này có thể không bán hết cổ phiếu. Tuy nhiên, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tin tưởng vào thành công của đợt chào bán, dựa trên tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của 2 doanh nghiệp và mức giá khởi điểm hợp lý.

Xem thêm tại baodautu.vn