Tổng quan 'sức khỏe' của ‘vua thị phần' môi giới cổ phiếu

Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo lớn nhất trong quý I/2024. Danh sách này tiếp tục xướng danh VPS là “vua thị phần”.

“Xưng vương” trong cuộc chiến giành thị phần

Cụ thể, quý I/2024, VPS tiếp tục mở rộng thị phần lên mức 20,29% - cao nhất kể từ khi hoạt động và bỏ xa top phía sau. Đáng chú ý, Chứng khoán SSI xếp thứ 2 nhưng thị phần chưa bằng một nửa VPS, chỉ còn 9,32%.

-5777-1712222890.png

Chứng khoán VPS liên tục giữ vị trí đầu trong cuộc chiến giành thị phần môi giới.

Nhìn lại năm 2023, VPS cũng là CTCK đứng đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE với 19,06%, đồng thời ghi nhận 3 năm liên tiếp giữ vững vị thế số 1 thị phần môi giới chứng khoán với khoảng cách ngày càng được nới rộng so với đối thủ xếp sau như Chứng khoán SSI, Chứng khoán VNDirect...

Chứng khoán VPS có tiền thân là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) được thành lập vào năm 2006, do VPBank nắm giữ đa số vốn.

Trong "vòng tay” VPBank, từ năm 2008-2015, VPS ghi nhận 2 năm thua lỗ, còn lại lợi nhuận cao nhất là năm 2014 với mức lãi sau thuế gần 129 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2015, VPBank đã thoái 89% vốn tại VPBS. Ngay sau đó, VPBS đã cải thiện đáng kể quy mô vốn điều lệ nhằm phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh, từ đó có sự tăng trưởng vượt bậc. Trong năm đầu tiên (năm 2016), công ty báo lãi sau thuế 107,7 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với năm 2015.

Đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của VPBS đã được nâng lên mức 3.500 tỷ đồng, trở thành CTCK có quy mô vốn hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPS như hiện nay.

Sau 8 năm VPBank thoái vốn, khép lại năm 2023, VPS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 6.374 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 24,5% so với năm 2022. Trong đó, riêng doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đóng góp 2.785 tỷ đồng doanh thu trong cả năm 2023, giảm nhẹ so với năm 2022. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu 1.226 tỷ đồng. Hoạt động tự doanh của VPS trong năm 2023 giảm 46% so với năm 2022, về còn 1.988 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của VPS giảm 32,3%, về mức 4.564 tỷ đồng, trong đó chi phí cho nghiệp vụ môi giới chứng khoán cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 2.258 tỷ đồng. Chi phí tài chính của VPS tăng 53,2%, lên mức 908,3 tỷ đồng.

Phần tự doanh không hiệu quả và chi phí tài chính lớn nên công ty chỉ còn lãi ròng 657 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm 2022.

Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của VPS ở mức 22.459 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm gần 70% từ 9.190 tỷ đồng về còn 2.783 tỷ đồng. Ngược lại, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt gần 5.600 tỷ đồng, tăng 49%; dư nợ cho vay margin tăng 89%, lên gần 11.148 tỷ đồng.

Phía nguồn vốn, VPS có số dư vay và nợ ở mức 12.831 tỷ đồng, tăng 18,4% so với đầu năm.

Tại thời điểm kết thúc năm 2023, vốn chủ sở hữu của VPS đạt 8.980 tỷ đồng, bao gồm 3.090 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Điểm trừ trong “bức tranh” lợi nhuận

Đáng chú ý, mặc dù là CTCK chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường, ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng nhưng nếu đi sâu hơn vào kết quả kinh doanh, có thể thấy mức lợi nhuận của “vua thị phần" môi giới cổ phiếu kém xa hơn so với nhiều đối thủ khác, và quý sau sụt giảm so với quý liền trước đó.

Nguyên nhân được xác định là do lợi nhuận mảng môi giới bị “bào mòn”, còn hiệu quả hoạt động tự doanh lại bị ảnh hưởng phần nào bởi sự trầm lắng của thị trường những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, VPS còn liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi về phí, các sản phẩm dịch vụ mới và các tiện ích đa chức năng trên nền tảng VPS SmartOne. Và chính những chi phí trên quá lớn làm cho phần phí giao dịch còn lại để đóng góp vào lợi nhuận của VPS không còn là bao, khiến hiệu quả kinh doanh của VPS thấp hơn đáng kể so với những “ông lớn” khác trong Top 10 thị phần môi giới.

Thực tế, quý IV/2023, VPS báo lợi nhuận đạt 238 tỷ đồng, tăng khoảng 150% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng sụt giảm hàng chục phần trăm so với quý III/2023. Con số này so với các CTCK khác như VNDirect (991,5 tỷ đồng), TCBS (880 tỷ đồng) và SSI (616 tỷ đồng) là một khoảng cách khá lớn.

Mặt khác, việc theo đuổi chính sách miễn, giảm phí (“zero fee”) cũng là nguyên nhân khiến doanh thu môi giới của CTCK này bị thu hẹp đáng kể, nhất là trong bối cảnh miếng bánh thị phần bị thu hẹp trong quý IV/2023 do thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với quý III trước đó.

Với VPS, dù sở hữu lợi thế là một trong những CTCK lớn nhất thị trường, nhưng việc mảng môi giới – vốn đóng góp tỷ trọng hơn 50% vào doanh thu hoạt động chỉ mang về 807,590 tỷ đồng trong quý IV/2023, giảm hơn 15% so với quý III.

Bên cạnh chính sách “zero fee”, diễn biến “lình xình” của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý IV/2023 cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của CTCK có thị phần đứng đầu này.

Cụ thể, ngoại trừ một số cổ phiếu ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lớn về giá trị, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đi ngang, thậm chí điều chỉnh giảm. Điều này khiến hoạt động tự doanh của VPS kém hiệu quả so với quý III/2023.

Chẳng hạn, hoạt động tự doanh của VPS đóng góp tỷ trọng khá lớn trong doanh thu hoạt động, nhưng ghi nhận mức lợi nhuận không đáng kể trong quý IV/2023. Nếu tính cả các khoản lỗ tự doanh và chi phí cho hoạt động tự doanh, mảng này chỉ lãi 19 tỷ trong quý IV.

Tại ngày 31/12/2023, danh mục tự doanh của VPS có giá trị hơn 7.200 tỷ đồng, trong đó có gần 5.000 tỷ đồng là các công cụ thị trường tiền tệ.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn