TP Hồ Chí Minh: Đón cơ hội gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu
Xuất nhập khẩu phục hồi tăng trưởng
Trong những ngày tháng 4, nhiều tàu nước ngoài có tải trọng lớn chở ô tô nhập khẩu liên tục cập cảng Hiệp Phước TPHCM. Mới đây, tàu Roro chở theo hàng nghìn xe ô tô lần đầu tiên cập cảng Sài Gòn- Hiệp Phước hạ bãi hơn 1.000 xe ô tô nhập khẩu. Tiếp đó, một tàu hơn 3.000 xe ô tô con nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng cập cảng container trung tâm Sài Gòn. Cùng với đó là những chuyến tàu cập cảng bốc dỡ hàng chục nghìn tấn gạo xuất khẩu rời cảng...
Liên tiếp nhiều chuyến tàu nước ngoài có tải trọng lớn cập cảng TPHCM cho thấy dấu hiệu khởi sắc phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như hoạt động XNK hàng hóa.
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước (Cục Hải quan TPHCM), chỉ tính riêng trong tháng 4, Hải quan nơi đây đã làm thủ tục cho 2 tàu hàng với trên 4.000 ô tô nhập khẩu.
Theo Cục Hải quan TPHCM, trong quý 1/2024, đơn vị đã làm thủ tục thông quan cho hàng hóa XNK qua các cửa khẩu cảng TPHCM đạt tổng kim ngạch khoảng 21,32 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,22 tỷ USD, tăng 5,49% (tăng tuyệt đối 532,31 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, TPHCM là địa phương duy nhất có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt mốc 10 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM qua các cửa khẩu trong cả nước ước đạt 11,1 tỷ USD. Nếu tính riêng tháng 3/2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 4,5 tỷ USD. Kết quả này thể hiện qua hoạt động sản xuất, làm hàng của các doanh nghiệp kinh doanh càng tăng trưởng khả quan. Sản lượng hàng hóa qua các cảng thuộc Công ty CP cảng Sài Gòn trong quý 1/2024 đạt 2,4 triệu tấn, đạt 27% kế hoạch và đạt 117% so với cùng kỳ; sản lượng hợp nhất đạt 2,434 triệu tấn, đạt 26% kế hoạch và đạt 118% so với cùng kỳ.
Để tạo dịch vụ khép kín trong chuỗi logistics phục vụ XNK hàng hóa, trong năm 2024, cảng Sài Gòn tiếp tục phát triển các dự án, điểm nhấn là dự án cảng trung chuyển Cần Giờ đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đã bắt đầu tự khai thác độc lập cũng như phối hợp, đồng hành cùng hệ sinh thái của cảng Sài Gòn, tập trung vào các lĩnh vực khai thác tàu Roro, hàng container ngoại và các mặt hàng hiện hữu. Trong thời gian tới, Công ty CP cảng Sài Gòn tiếp tục triển khai các dự án kinh doanh mới, như: khai thác tàu Roro, kho, bãi chứa xe ô tô, trung tâm nông sản, trung tâm đóng gạo MSC tại Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước...
Kết nối hạ tầng, tạo chuỗi phát triển
Được xác định là đầu tàu kinh tế, TPHCM có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và XNK cho khu vực các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của TPHCM, một trong những điểm nghẽn hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối Thành phố với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa 2 chiều giữa Thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng. Với Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước… TPHCM sẽ được phân cấp tối đa để thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, trong đó thực hiện liên kết vùng trong việc phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics.
Trong kế hoạch xây dựng các dự án hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2025, TPHCM ưu tiên vốn cho các dự án liên kết vùng. Trong đó đường Vành đai 3 dài 76,3 km đã được khởi công từ giữa năm 2023. Đây là một tuyến đường quan trọng, khi hoàn thành vào năm 2025, sẽ tạo thành một vòng tròn khép kín, rút ngắn thời gian đi lại giữa TPHCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Bên cạnh đó, dự án này còn giúp phát triển các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics... cho các tỉnh, thành phố trong khu vực. Hai dự án liên kết vùng quan trọng khác là Quốc lộ 50 (kết nối TPHCM với Long An) và nút giao An Phú (lối vào cao tốc TPHCM - Long Thành để đi Đồng Nai) cũng đang được gấp rút thi công để kịp hoàn thành vào năm 2025. Khi 3 dự án hoàn thành, liên kết giữa TPHCM với các tỉnh lân cận sẽ có sự thay đổi rõ nét, hỗ trợ thúc đẩy XNK hàng hóa.
Trong 2 năm tiếp theo, một loạt dự án dự kiến được khởi công, như mở rộng Quốc lộ 13 đi Bình Dương, Quốc lộ 1 đi Long An, mở rộng đường vào cảng Cát Lái, mở rộng Quốc lộ 22 đi Tây Ninh… Cùng với đó, những tuyến cao tốc kết nối TPHCM với các địa phương như TPHCM - Mộc Bài; TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Vành đai 4, TPHCM đang trong quá trình làm báo cáo nghiên cứu khả thi và dự kiến khởi công trong vòng 2 -3 năm tới. Đối với đường sắt, sau nhiều năm lùi kế hoạch hoàn thành, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu khai thác vào tháng 7/2024. Phương án kéo dài tuyến đường sắt này đến Đồng Nai và Bình Dương đã được các địa phương bàn bạc, nghiên cứu và đang chờ bố trí vốn đầu tư. Theo kế hoạch, năm 2025, TPHCM sẽ khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương)… Các dự án này hoàn thành sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho hoạt động vận chuyển, giao thương hàng hóa XNK của TPHCM và các tỉnh lân cận.
Những tín hiệu tích cực trên kỳ vọng sẽ thêm "làn gió mới" thúc đẩy XNK hàng hóa của TPHCM trong những năm tới.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn