Trước khi có biến cố thuế đối ứng, doanh nghiệp dệt may lãi bằng lần

Doanh nghiệp dệt may đang chứng kiến những biến độ lớn khi thuế quan trở thành "biến số" mới trong hoạt động của ngành. Đầu tháng 4, cú sốc thuế đối ứng từ Mỹ đã làm xáo trộn hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong thười gian tới. 

Trong quý I, trước khi có biến cố thuế đối ứng, các doanh nghiệp trong ngành vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu dệt may sang Mỹ duy trì đà tăng mạnh 15%, đạt 3,8 tỷ USD.   

Vinatex lãi bằng lần

Đại diện đầu ngành là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) báo cáo lợi nhuận hơn 250 tỷ đồng, gấp 3,5 lần kết quả đạt được trong quý I/2024, trong khi doanh thu tăng trưởng gần 8%. 

Ban lãnh đạo lý giải kết quả do sự phục hồi tốt của thị trường. Ngành may tiếp tục ghi nhận đà tích cực với sự cải thiện rõ nét cả về giá bán và sản lượng đơn hàng. Nhu cầu thị trường tăng trở lại giúp các đơn vị may gia tăng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Ngành sợi thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, song các đơn vị sợi luôn bám sát thị trường và dự báo nhanh nhạy, nhiều thời điểm chốt được giá bông/sợi tốt, giúp kết quả quý I chuyển từ lỗ sang có lãi. 

Trong những tháng đầu năm, Vinatex còn cùng các đơn vị thành viên đang tận dụng tối đa cơ hội để hiện thực hóa sớm các đơn hàng, tăng doanh thu, kim ngạch xuất khẩu trước những diễn biến phức tạp và bất ngờ của chính sách thuế quan, thuế đối ứng của Mỹ. 

 Nhiều công ty trong ngành may mặc lãi lớn quý đầu năm. Nguồn: Huy Lê tổng hợp. 

May Sông Hồng vẫn nhiều đơn hàng  

Ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, May Sông Hồng được dự báo chịu ảnh hưởng lớn khi xuất khoảng 80% sang Mỹ. Song kết quả kinh doanh quý đầu năm vẫn tốt, tạo nền tảng cho việc chống chịu với thuế quan. 

Công ty báo cáo doanh thu một quý hơn 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng 34%. Lợi nhuận sau thuế 87 tỷ đồng, tăng mạnh 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp cũng cải thiện lên 16,4%.

Phía doanh nghiệp lý giải sự cải thiện này là do ký được nhiều đơn hàng nên doanh thu tăng tương ứng, đồng thời công ty tiết kiệm chi phí nên lợi nhuận tăng mạnh. 

Chia sẻ trong cuộc họp cổ đông gần đây, lãnh đạo May Sông Hồng cho biết đơn hàng có thể bị cắt giảm trước chính sách thuế quan của Mỹ. Mức thuế cơ bản 10% đã đủ lớn để gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận.

Gánh nặng thuế sẽ được chia sẻ giữa ba bên: các thương hiệu, nhà sản xuất (MSH) và người tiêu dùng. Trong trường hợp mức thuế 10%, May Sông Hồng chỉ có thể hấp thụ tối đa 1–2%, do việc gánh thêm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh.

Ngược lại, công ty nhận thấy có thể đón được nguồn hàng từ Trung Quốc chuyển sang nên vẫn hy vọng khả quan. Khối lượng đơn hàng đã được đảm bảo đến tháng 7-8/2025, nhưng triển vọng cho quý IV vẫn còn nhiều bất định, công ty chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hủy đơn nào.   

"Trong giai đoạn hoãn thuế 90 ngày, May Sông Hồng đã nhận được yêu cầu từ khách hàng về việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tận dụng thời gian tạm hoãn", theo phía doanh nghiệp. 

Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 4%. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế kỷ lục 600 tỷ đồng, cao hơn 10% so với kết quả 2024. Ban lãnh đạo nói vẫn tự tin và chưa điều chỉnh kế hoạch. 

Thành Công không có hoãn hủy hàng

Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) báo lãi ròng 78 tỷ đồng trong quý đầu, tăng trưởng 26%. Doanh thu cũng nhích 8% để quay lại mốc nghìn tỷ đồng và biên lãi gộp duy trì trên mốc 16%. 

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2025, Tổng Giám đốc Song Jae Ho cho biết thị trường Mỹ chiếm khoảng 30% doanh thu xuất khẩu - tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành và có mức độ an toàn nhất định. 

Để có thể đối phó với vấn đề thuế quan, công ty cũng hướng tới tăng trưởng ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như mở rộng sang Canada và châu Âu.

Dệt may Thành Công không ghi nhận tình trạng hoãn/hủy hàng như lo sợ, thậm chí tăng công suất để đáp ứng đơn hàng sớm. Ảnh: TCM. 

Thành Công có lợi thế về quy trình sản xuất khép kín. Công ty chỉ nhập bông về để sản xuất sợi, nên gần như tự chủ được nguồn nguyên liệu; trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam khác phải mua vải từ Trung Quốc.

Lãnh đạo doanh nghiệp nói các khách hàng Mỹ cũng không có phản ứng mạnh với Thành Công, cũng không hoãn hủy hàng như lo sợ trước đó.

Thậm chí, Thành Công đang phải tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng tranh thủ sớm trước khi hết thời gian hoãn thuế. Công ty cũng sẽ chia sẻ một phần chi phí với khách hàng khi hàng hóa bị áp thuế. 

Sợi Thế Kỷ tăng vọt

Một số công ty khác cũng ghi nhận kết quả tích cực trước khi có biến cố thuế quan. Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) báo cáo lợi nhuận lên gần 36 tỷ đồng ở quý đầu năm, nhảy vọt so với con số 712 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ban lãnh đạo lý giải kết quả này chủ yếu nhờ doanh số và giá bán cao hơn cùng kỳ; ngoài ra công ty còn hưởng lợi nhờ có thêm một phần thu nhập tài chính từ biến động tỷ giá và giảm chi phí bán hàng. 

Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 31% lên hơn 1.500 tỷ đồng. Do chi phí quản lý tăng nhanh nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng nhẹ 1% lên hơn 43 tỷ đồng. 

TNG đang xuất hàng sang Mỹ với tỷ trọng khoảng 26%, cho các khách hàng lớn như ANF, Columbia. Hiện công ty vẫn tiếp tục xuất khẩu và đẩy hàng sớm trước thời điểm 10/7. Các khách hàng đã thanh toán 45-65 ngày dưới hình thức trả nhanh, trả phí. 

Lãnh đạo công ty cho biết thêm đã chốt các đơn hàng đến tháng 7-8/2025, thậm chí một số khách hàng châu Âu đã ký đến hết năm 2025. Để đối phó với biến cố thuế quan từ Mỹ, công ty dự tính phát triển thêm các thị trường EU, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn