Tỷ giá nóng, doanh nghiệp nên chuyển sang vay VND

USD đang ở mức cao, các doanh nghiệp nên chuyển sang vay VND để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ảnh: Đức Thanh

USD liên tục tăng kịch trần

Tính tới giữa tuần này (17/4), tỷ giá VND/USD tăng 3,8% kể từ đầu năm. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, giá USD bán ra liên tục được niêm yết ở mức kịch trần. USD tăng nóng theo sự biến động của đồng bạc xanh trên thế giới. Tại thị trường Mỹ, Chỉ số US Dollar Index (DXY) phiên 17/4 tăng 0,16%, đạt 106,37 điểm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, có thể cần phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn vì lạm phát vẫn ở mức cao.  

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tỷ giá biến động thời gian gần đây cơ bản là do USD tăng giá bởi 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, Fed đang lưỡng lự hạ lãi suất.

Thứ hai, kinh tế Mỹ không suy thoái, mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, ngoài tác động của chỉ số DXY, tỷ giá trong nước tăng còn do nhu cầu nhập khẩu tăng và các hoạt động găm giữ USD cũng như đầu cơ tỷ giá. Đối phó với tình trạng này, NHNN chủ động phát hành tín phiếu từ đầu tháng 3/2024, song hiệu quả không cao.

Với các áp lực ngoại biên từ đà tăng của DXY, lợi suất trái phiếu Mỹ và giá vàng, nhóm chuyên gia cho rằng, NHNN sẽ vẫn tập trung vào việc phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, nếu các áp lực này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong kịch bản giá dầu Brent vượt 93 USD/thùng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm vượt 4,7%, NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.

Trước đó, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng và NHNN sẽ có động thái can thiệp thị trường nếu cần thiết.

Về khả năng NHNN bán ngoại tệ can thiệp thị trường, TS. Cấn Văn Lực nhận định, NHNN sẽ phải tính toán cẩn thận. Nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh, thì NHNN cũng sẽ sẵn sàng can thiệp bằng nhiều nguồn lực khác nhau.

"Tôi tin, NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, ví dụ như phát hành tín phiếu cũng là một cách tăng lãi suất trên liên ngân hàng để giảm chênh lệch lãi suất USD - VND, cũng giảm áp lực tỷ giá trong thời gian vừa qua", ông Lực nói

Theo chuyên gia này, nếu quý II/2024, Fed điều chỉnh lãi suất USD, thì áp lực tỷ giá VND/USD sẽ hạ nhiệt. Về cơ bản, quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn. Khi Fed bắt đầu hạ lãi suất thì ngay lập tức tỷ giá sẽ bớt đi áp lực. Dự báo, tỷ giá có thể tăng 2,5-3% trong năm nay. 

Doanh nghiệp chuyển sang vay VND để tránh rủi ro tỷ giá

Tỷ giá biến động đang gây ảnh hưởng lớn cho các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, với 1% thay đổi tỷ giá, Hãng mất 300 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng chia sẻ, trong quý I/2024, Hòa Phát ước tính phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần xác định tỷ giá biến động là hết sức bình thường. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế, mà là diễn biến chung của kinh tế khu vực và thế giới.

Với tình hình diễn biến tỷ giá hiện nay, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước đưa ra lời khuyên doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, nên chuyển sang vay VND, thay vì vay ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hiện nay, lãi suất cho vay VND tại nhiều ngân hàng thương mại thấp kỷ lục, đặc biệt là cho vay xuất - nhập khẩu.

Dù tỷ giá nóng nửa đầu năm, song các chuyên gia phân tích của KBSV cho rằng, năm nay, tỷ giá chỉ tăng ở mức 3%, tức tỷ giá sẽ hạ nhiệt nửa cuối năm. Nếu xét với đồng tiền các quốc gia khác trong khu vực, VND đang duy trì độ mất giá tương đương với Nhân dân tệ (Trung Quốc), Won (Hàn Quốc) và Baht (Thái Lan).

KBSV kỳ vọng, xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, dự báo cán cân tổng thể trong năm 2024 với mức thặng dư 10 - 12 tỷ USD, do các hoạt động xuất nhập khẩu tính đến quý I/2024 tích cực hơn và được dự báo còn tăng trưởng, trong khi áp lực từ hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá của ngân hàng sẽ giảm do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng không còn thấp như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng sẽ là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024. 

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), biến động tỷ giá hiện nay vẫn nằm trong biên độ kiểm soát của NHNN, chưa đến mức phải lo lắng về việc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.

“Bản thân chỉ số DXY từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%. Nói cách khác, nguyên nhân dẫn đến USD tăng so với VND đến từ chính bản thân USD. Ngoài ra, biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường, vào quý đầu năm, cầu ngoại tệ sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân. Đây là những động thái tự nhiên của thị trường. Theo tôi, diễn biến tỷ giá là phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của NHNN, chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp”, ông Hùng nhận định.

Xem thêm tại baodautu.vn