Tỷ suất cổ tức cao “an ủi” các cổ đông ngành Phân bón
Có thể nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn 30%
Triển vọng ngành Phân bón năm 2023 được dự báo kém khả quan so với mức nền cao được thiết lập vào năm 2022. Điều này đã phản ánh vào giá cổ phiếu một số công ty, như DPM giảm 18%, DCM giảm 12% so với đầu năm.
Trên thực tế, lợi nhuận quý I/2023 của những doanh nghiệp này đều ở mức thấp. Nguyên nhân là giá bán urê trung bình thấp trong khi giá cước vận chuyển lại tăng cao, do các công ty phải tìm nguồn khí tự nhiên từ mỏ khí có chi phí cao của bể Cửu Long.
Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI đã chuyển cơ sở định giá đối với DPM và DCM sang bình quân năm 2023-2024 (từ năm 2023) và đưa ra giá mục tiêu mới cho DPM là 30.600 đồng/cổ phiếu (từ 34.600 đồng) và cho DCM là 24.000 đồng/cổ phiếu (từ 24.300 đồng/cổ phiếu).
Tính đến cuối quý I/2023, tiền mặt ròng của DPM và DCM chiếm lần lượt 54% và 73% vốn hóa thị trường hiện tại. Với nguồn tiền dồi dào, SSI cho rằng DPM có thể trả cổ tức bằng tiền mặt lần lượt là 40% và 30% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức 13% và 10%) cho năm 2023-2024, còn DCM có thể trả cổ tức bằng tiền mặt 30% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức là 13%) cho mỗi năm 2023 và 2024. Theo đó, tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (ROI) của DPM là 11%, trong khi ROI của DCM là 15% và SSI nâng khuyến nghị lên “trung lập” đối với ngành Phân bón.
Các chuyên gia của SSI nhấn mạnh, yếu tố hỗ trợ cần theo dõi là lợi nhuận của DCM có thể chạm đáy trong quý II/2023 nếu xét về giá trị tuyệt đối. Trong khi đó, nhà máy urê DCM sẽ khấu hao hết vào cuối quý III/2023, do đó giúp tăng lợi nhuận ròng đáng kể vào năm 2024. Vì vậy, nhà đầu tư có thể lại cân nhắc đầu tư cổ phiếu DCM vào khoảng thời cuối năm nay.
Triển vọng nào cho ngành Phân bón?
Theo các chuyên gia phân tích của SSI, trong các quý còn lại của năm 2023, lợi nhuận của DPM và DCM ước tính vẫn duy trì ở mức thấp, do các công ty có thể phải giảm sản lượng urê để giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện trong từng thời điểm, đồng thời nhu cầu xuất khẩu từ nước ngoài cũng suy yếu.
Nhận định về xu hướng giá, SSI cho biết, giá urê đã giảm 30% so với đầu năm và có thể giảm trong các quý tới, mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều so với quý I/2023, do nhiều yếu tố ảnh hưởng. Trong đó, giá nguyên liệu đầu vào (dầu/khí/than) vẫn ở mức thấp. Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga đã giảm bớt khi khối này khai thác các nguồn năng lượng khác.
Đối với than đá, Trung Quốc (nước sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất) sẽ tiếp tục tăng sản lượng than trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu còn thiếu từ các nhà máy nhiệt điện, qua đó giúp giá than giảm. Theo nhận định của Reuters, trong 2 tháng đầu năm năm 2023, sản lượng than của Trung Quốc tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hơn nữa, nhu cầu urê có thể vẫn yếu trong suốt cả năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông sản. Hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt ở Đông Nam Á, Australia và Nam Phi. Theo đó, nhu cầu vẫn yếu trong các quý còn lại của năm 2023.
Xuất khẩu phân bón vẫn còn ảm đạm và có thể tiếp tục giảm. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu phân bón toàn Ngành trong quý I/2023 đạt 405.000 tấn (-15% so với cùng kỳ). Xuất khẩu urê của DPM và DCM lần lượt đạt 40.000 tấn (-57%) và 92.000 tấn (-38%) trong quý I/2023.
Do giá nguyên liệu giảm và các nước châu Âu đã tìm được sản phẩm thay thế dầu/khí của Nga, mối lo ngại về tình trạng thiếu urê giảm bớt, do đó Châu Âu có thể không cần nhập khẩu nhiều urê như trước. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu urê của các nước xuất khẩu urê trong đó có Việt Nam có thể giảm sút. Ngoài ra, urê Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá nên việc khôi phục xuất khẩu urê của Trung Quốc càng gây khó khăn hơn cho các công ty sản xuất urê của Việt Nam trong việc xuất khẩu.
Ngoài ra, sản xuất urê cũng gặp khó do thiếu điện, bởi Việt Nam hiện đang đối mặt với tác động tiêu cực từ El Nino. Cụ thể hơn, El Nino làm giảm nguồn cung thủy điện, đồng thời làm tăng nhu cầu điện năng để hạ nhiệt. Do đó, Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện từ đầu tháng 5 và có thể kéo dài trong một thời gian. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã kiến nghị các doanh nghiệp sản xuất urê cắt giảm sản lượng để tiết kiệm khí tự nhiên cho các nhà máy điện.
SSI cho rằng, việc DPM và DCM đóng cửa các nhà máy urê là không khả thi. Tuy nhiên, với tình hình xuất khẩu urê kém, các công ty sản xuất phân bón có thể giảm sản lượng sản xuất để giúp hạn chế tình trạng thiếu điện, mặc dù điều này có thể không đóng góp nhiều cho các nhà máy điện. Do đó, SSI dự báo sản lượng tiêu thụ urê của DPM và DCM sẽ giảm lần lượt -12% và -8% svck trong năm 2023.
Lợi nhuận quý II2/2023 ước tính thấp hơn quý I/2023 và đây có thể là mức lợi nhuận thấp nhất nếu xét về giá trị tuyệt đối. Do đó, SSI điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận năm 2023 của DPM xuống 1.230 tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022) và lợi nhuận của DCM giảm xuống 1.180 tỷ đồng (giảm -73% so với cùng kỳ năm trước).
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn