Vấn nạn ‘phong bì’, doanh nghiệp ‘sân sau’ đang giảm?

Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023.

Giảm nhưng tỷ lệ vẫn cao

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số xanh cấp tỉnh, cho biết kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2023 cho thấy các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước tiến, với điểm số chỉ số chi phí không chính thức giữ vững xu hướng cải thiện.

-5474-1715245040.jpg

Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh có chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực lại có dấu hiệu tăng lên đi ngược với xu hướng chung (Ảnh: Minh họa).

Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, thấp hơn đáng kể so với mức 42,6% năm 2022, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát. Quy mô của chi phí không chính thức cũng tiếp tục đà giảm, với khoảng 2,5% doanh nghiệp cho biết phải chi trên 10% thu nhập cho các chi phí này, thấp hơn so với con số 3,8% của năm 2022 và đã giảm hơn 4 lần so với 10 năm trước đây.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh có chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực có dấu hiệu tăng lên như đăng ký kinh doanh và thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện.

Thêm vào đó, dấu hiệu tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Hợp đồng mua sắm của cơ quan nhà nước, đất đai và các nguồn lực kinh doanh khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với cán bộ chính quyền” năm 2023 chỉ còn 55,3%, đã giảm liên tục từ mức 61,1% vào năm 2021 xuống 57,7% vào năm 2022.

“Nếu nhìn vào con số 96,6% khi lần đầu tiên đo lường chỉ tiêu này vào năm 2013, thì con số 55,3% của năm 2023 là thực sự ấn tượng”, ông Tuấn cho biết.

Quảng Ninh tiếp tục soán ngôi "Quán quân" PCI năm thứ 7 liên tiếp. Ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh, cho biết có được kết quả trên là nhờ địa phương này kiên trì đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy quản lý nhanh gọn, sáng tạo… nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách. Trong đó, cán bộ không được đùn đẩy, không né trách nhiệm vụ.

“Chúng tôi xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ công chức, người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị rõ ràng, phục vụ người dân, doanh nghiệp thành văn hoá tự nhiên, đó là bổn phận và trách nhiệm”, ông Cao Tường Huy nhấn mạnh. Ngày nay, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ tạo thuận lợi, nhanh chóng thủ tục hành chính mà yếu tố thân thiện môi trường, phát triển bền vững đang được nhà đầu tư quan tâm.

Thủ tục đất đai, thanh kiểm tra kéo dài vẫn cản trở doanh nghiệp

Tuy vậy, kết quả khảo sát cũng ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh đã liên tục giảm từ 55,2% năm 2021 xuống 48% năm 2022 và xuống 40,7% năm 2023. Đáng lưu ý là gần 73% doanh nghiệp đã cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.

Ngay với địa phương “Quán quân” PCI, ông Lưu Công Thành, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh phản ánh vẫn có những địa bàn còn trở ngại khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu tư tài chính, thiệt hại nằm chờ khơi thông thủ tục hành chính. Theo đó, phía doanh nghiệp mong muốn địa phương này tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về khâu san lấp mặt bằng, giao mặt bằng sớm nhất cho doanh nghiệp.

“Mong muốn của chúng tôi khi đầu tư vào Quảng Ninh là doanh nghiệp và địa phương cùng thắng, thông qua môi trường kinh doanh lành mạnh”, ông Thành nói.

Hay với gánh nặng thanh tra, kiểm tra dù được doanh nghiệp đánh giá là có sự cải thiện. Cụ thể, năm 2023, gần 7% doanh nghiệp bị thanh tra và kiểm tra ba lần trong năm, giảm nhẹ so với mức 7,4% vào năm 2022 và 9,9% vào năm 2021. Tình trạng nhũng nhiễu trong thanh kiểm tra đã giảm xuống gần 7% vào năm 2023, từ 9,6% vào năm 2022 và 13,8% vào năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung thanh tra kiểm tra bị trùng lặp tăng nhẹ từ 6,7% năm 2022 lên 8,5% vào năm 2023.

Tại hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu mới đây, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL bày tỏ lo ngại về việc thanh kiểm tra trong ngành xăng dầu. Ông cho rằng không nhất thiết năm nào cũng thanh tra, tốn nguồn lực Nhà nước, nhiều đoàn thanh tra kéo dài tới 3 tháng. “Tại sao, cơ quan quản lý không áp dụng theo mô hình giống hải quan là phân luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ”, ông Dương nói.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho rằng trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng chung khốn đốn liên quan tới thanh tra, kiểm tra. Cán bộ thanh tra, kiểm tra đối chiếu theo quy định. Bởi vậy, dù quy định chưa phù hợp thực tiễn, nhưng đứng trên góc độ thanh tra là sẽ kết luận sai phạm.

Đại diện Petrolimex mong muốn rằng "cố gắng đừng để thương nhân xăng dầu vất vả vì thị trường lại phải cố gắng tranh luận về khái niệm".

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có dấu hiệu giảm sút. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 là 61,3%, gia tăng từ con số 58,8% năm 2022 và 52,6% năm 2021.

Bên cạnh đó, có khoảng 56,5% doanh nghiệp cho biết chính quyền cấp tỉnh ưu tiên doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát PCI 2023, bao gồm: tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

Lê Thúy

Xem thêm tại vnbusiness.vn