Vì sao chưa có doanh nghiệp vay được gói tín dụng nhà ở xã hội theo Nghị định 100?
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất NHNN tiếp tục giảm lãi suất đối với gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng; đồng thời bỏ gói vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định 100).
Vị này cho rằng, nguyên nhân là vì đến nay, chưa doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh tiếp cận được.
Gói vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 được triển khai từ năm 2016 tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Lãi suất cho vay tại Ngân hàng CSXH do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cho từng thời kỳ. Theo quyết định mới nhất thì mức lãi suất áp dụng đang là 4,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà nói chung.
Còn lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng được chỉ định do NHNN xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, đến nay, sau 7 năm triển khai, về phía chủ đầu tư, chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay này.
Lý giải nguyên nhân tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đối với việc cho vay qua các tổ chức tín dụng được chỉ định, đến nay, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều đã ban hành đầy đủ quy trình triển khai cho vay, nhưng lại chưa thể triển khai, do đây là gói tín dụng mà cơ chế là các ngân hàng cho vay và được cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, nhưng lại chưa bố trí được nguồn ngân sách cấp bù.
Do đó, NHNN cũng như Bộ Xây dựng đã có nhiều ý kiến, kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn cho việc cấp bù lãi suất.
Còn với kênh qua Ngân hàng CSXH, đại diện NHNN cho hay, hiện Chính phủ chỉ cho vay với người mua nhà, còn với chủ đầu tư, Chính phủ đang có đề án, khi đề án được duyệt thì mới thực hiện. Tuy nhiên, khách hàng của Ngân hàng CSXH chủ yếu các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở các vùng khó khăn nên cũng khó vay vốn. Trong khi đó, Ngân hàng CSXH chưa có kinh nghiệm cho vay với doanh nghiệp bất động sản, nên cần phải nâng cấp trình độ cán bộ, mạng lưới, quy trình thì mới triển khai được.
Cũng theo đại diện NHNN, Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề này, theo đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 100 để trong thời gian tới đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội.
Đồng thời, Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu các gói đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, NHNN đã đề xuất Chính phủ ban hành gói 120 nghìn tỷ đồng, dùng nguồn lực các ngân hàng, không dùng ngân sách.
Theo thông tin từ NHNN, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Đến nay, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.
Trước đề xuất giảm thêm lãi suất gói 120 nghìn tỷ đồng, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, do gói này hoàn toàn dùng nguồn lực từ các ngân hàng, do đó, lãi suất sẽ phải cao hơn so với gói vay tại Ngân hàng CSXH. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng đã rất thấp so với mặt bằng chung, lãi suất áp dụng đối với người mua nhà 7,7%/năm, chủ đầu tư 8,2%/năm...
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn