Sự phát triển vượt bậc của công nghệ

Trong 2 ngày 3-4/12/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra chương trình Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS2024). Với 4 chủ đề chính gồm AI, Fintech, Blockchain và Game, VTIS 2024 chia sẻ về các xu hướng, sức mạnh và tiềm năng công nghệ tương lai. Ngoài ra, còn có các hoạt động bên lề khác như trình diễn thời trang, cosplay và âm nhạc…

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết, trong thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số – bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản, và các ứng dụng phi tập trung (DeFi).

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực
Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại sự kiện
Tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu.

“Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, một yếu tố cốt lõi là sự minh bạch và rõ ràng trong khung pháp lý. Đây là yếu tố nền tảng giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp, và cộng đồng có thể phát triển trong một môi trường an toàn và bền vững”- ông Hưng cho biết.

Lãnh đạo SSI lạc quan, Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, do thiếu một khung pháp lý rõ ràng, lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức từ phía DN, nhà đầu tư, người tham gia.

Cụ thể, đó là khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.

Bên cạnh đó, rủi ro cho người tham gia, thiếu quy định dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch. Các cơ hội đang dần mất đi khi những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn.

Là những người đang tham gia sâu sát vào thị trường công nghệ và tài sản số, ông Hưng nhận thấy rằng, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Cụ thể, SSI kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Xây dựng các cơ chế quản linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo – điều cốt lõi của tài sản số.

Bến đỗ an toàn cho các nhà đầu tư

Phát biểu tại sự kiện, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ, có thể nói lúc này thế giới đang bước vào giai đoạn lịch sử chưa từng thấy với sự bất ổn, khó đoán, dây truyền đứt gẫy và một thế giới mới dần hiện lên.

“Trong bối cảnh đó, may mắn là có cơ hội chưa từng có đến với đất nước Việt Nam. Cuộc cách mạng mang tên chuyển đổi số đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của đất nước, để dân tộc Việt Nam có thể đứng ngang hàng với các dân tộc tiên tiến trên thế giới” - Chủ tịch PFT nói.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực
VTIS 2024 sẽ là nơi hội tụ các doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ, tài sản số

Ông Gia Bình dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam trở thành bến đỗ an toàn nhất trong bão táp địa chính trị thế giới. Việt Nam đã phát triển quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất với tất cả các cường quốc và tiếp tục mở rộng quan hệ. Việt Nam được kết nối với tất cả các thị trường bằng những nghị định thương mại mới nhất, cơ hội đã đến vấn đề là chúng ta cần nắm lấy.

Ông Trương Gia Bình cho biết thêm, Việt Nam đã có một vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Việt Nam đứng thứ hai sau Ấn Độ về xuất khẩu phần mềm và có một lực lượng cán bộ công nghệ mà nhiều quốc gia không có. Đã có nhiều doanh nghiệp chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai và có nhiều công ty của các quốc gia khác chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình.

Tại Hội nghị, các diễn giả sẽ xoay quanh những câu chuyện về công nghệ, đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để mở cánh cổng bước vào thị trường công nghệ mới nổi, từ đó đặt ra những bài toán cần phải giải để hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược đề ra.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng mang đến góc nhìn sâu sắc về các xu hướng công nghệ tương lai, khám phá về sức mạnh và tiềm năng của mỗi lĩnh vực. Hàng loạt các chủ đề được đưa ra thảo luận dựa trên 4 nhóm chủ đề chính như “AI Sáng tạo – Tác động kinh doanh và tiềm năng tương lai”, “Ranh giới pháp lý của Tài sản số: Lợi ích, thách thức và kinh nghiệm toàn cầu”, “Blockchain và các ứng dụng”, “Tương lai của Fintech trong 5-10 năm tới”, “Qũy đầu tư trong giai đoạn Web2 và Web3”… hứa hẹn sẽ mang đến rất nhiều thông tin hữu ích và giá trị./.

Tại triển lãm công nghệ, VTIS 2024 sẽ là nơi hội tụ các doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ, tài sản số không những tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Trong khuôn khổ chương trình, còn có hơn 50 hoạt động bên lề khác như hội thảo với các chuyên gia đầu ngành, trình diễn thời trang, thi cosplay và âm nhạc…