VietCap: Bách Hóa Xanh vẫn có thể lỗ ròng 280 tỷ đồng năm 2024

Trong cuộc họp với nhà đầu tư vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) khẳng định sự tăng trưởng trong 5 năm tới của MWG sẽ nằm chủ lực "trên vai" chuỗi Bách Hóa Xanh.

Đây là ngành rất lớn và hiện chuỗi siêu thị này chưa chiếm quá nhiều thị phần, do đó cơ hội để mở rộng còn khá nhiều, ngay cả trong những tỉnh thành Bách Hóa Xanh đã có cửa hàng lẫn những khu vực chưa lấn tới như khu vực miền Trung và miền Bắc.

Ban lãnh đạo MWG cũng cho biết trong quý 4/2023, Bách Hóa Xanh ghi nhận khoản chi phí bất thường khoảng 100 tỷ đồng do thanh lý tài sản cố định. Diễn biến tương tự như quý 3/2023 khi chi phí bất thường cho thanh lý tài sản cố định khoảng 90 tỷ đồng. Đây là các tài sản cố định từ các cửa hàng đóng cửa trong thời gian cải tạo, thanh lý vì không còn sử dụng được. Tất cả các khoản chi phí bất thường đều được ghi nhận trong năm 2023 và ban dự kiến sẽ không ghi nhận bất kỳ khoản chi phí bất thường lớn nào trong năm 2024. -

Bách Hóa Xanh giữ nguyên mục tiêu hòa vốn ròng cả năm tài chính năm 2024. Chiến lược của Bách Hóa Xanh bao gồm tăng trưởng doanh thu tại cửa hàng cùng kỳ (SSSG), mở 100 cửa hàng mới tại TP.HCM, và tối ưu hóa chi phí trung tâm phân phối.

Dự kiến doanh thu của Bách Hóa Xanh tăng khoảng 20% với doanh thu/cửa hàng của các cửa hàng mở trước năm 2024 đạt 2 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy nhiên, dự kiến biên lợi gộp của Bách Hóa Xanh có thể giảm để tăng doanh số, đặc biệt là trong mảng thực phẩm tươi sống có biên lợi gộp thấp.

Ở một diễn biến khác, trước câu hỏi về tiến độ bán vốn và định giá đối với BHX, phía MWG cho biết do tính bảo mật thông tin nên không thể chia sẻ chi tiết.

Gần đây, thông tin từ Reuters vào ngày 28/02 liên quan đến việc công ty quản lý tài sản CDH Investments từ Trung Quốc đang đàm phán để mua lại cổ phần thiểu số của chuỗi Bách Hóa Xanh gây nhiều chú ý dư luận. Nếu đạt được thỏa thuận, định giá của chuỗi có thể lên tới 1,7 tỷ USD.

CDH là một trong những đơn vị đầu tư tài sản thay thế (alternative investment) lớn nhất Trung Quốc, đồng thời cũng là đối tác không mấy xa lạ của MWG khi từng nắm giữ cổ phần tại đây. Nguồn tin giấu tên của Reuters cho rằng CDH đang là ứng cử viên hàng đầu trong việc mua lại tới 10% cổ phần tại Bách Hoá Xanh, sau khi vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh khác.

Với Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, ông Tài cho biết, công ty đã không còn tham gia vào cuộc chiến giá diễn ra trong năm 2023. Ngoài ra, sự cạnh tranh về giá đã giảm bớt so với năm trước. Mức tồn kho hiện tại của Thế giới di động & Điện máy xanh đủ an toàn và đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dự kiến chi vốn xây dựng cơ bản cho Thế giới di động & Điện Máy Xanh trong năm 2024 sẽ dưới 500 tỷ đồng.

Năm 2024, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) tự tin sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 2,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 nhờ cơ cấu chi phí hoạt động được tối ưu hóa hơn, với việc giảm thiểu chi phí cố định vào cuối năm 2023.

Tính từ đầu năm đến nay, doanh thu của Thế giới động & Điện máy xanh đi ngang so với cùng kỳ, và doanh thu theo cửa hàng/tháng của Bách Hóa Xanh vẫn duy trì ổn định ở mức 1,8 tỷ đồng - mức doanh thu của hàng/tháng đạt được vào tháng 12/2023.

Cập nhật quan điểm về MWG, theo Chứng khoán VietCap, việc ban lãnh đạo bày tỏ sự tin tưởng nhất trí vào việc đạt được mục tiêu lợi nhuận sau thuế là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chiến lược của công ty vẫn tập trung vào việc tối đa hóa doanh thu tuyệt đối và lợi nhuận ròng, điều này củng cố quan điểm của Vietcap về khả năng phục hồi khiêm tốn của lợi nhuận ICT và hàng điện máy của MWG.

Đối với Bách Hóa Xanh, mục tiêu đạt lợi nhuận ròng hòa vốn cả năm của công ty lạc quan hơn dự báo của VietCap về khoản lỗ ròng 280 tỷ đồng cho năm 2024. "Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi sau cuộc họp nhà đầu tư của MWG", Vietcap nhấn mạnh. 

Xem thêm tại vneconomy.vn