Chiều ngày 15/5, tại Hà Nội, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã Ck: HVN) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 để thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng thuộc chiến lược tái cơ cấu, tăng vốn và phát triển bền vững.
Củng cố tài chính, đưa vốn chủ sở hữu dương trở lại
Tại đại hội, các cổ đông thảo luận và nhất trí thông qua phương án phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, giúp củng cố năng lực tài chính của Tổng công ty. Đồng thời, Đại hội cũng thông qua quyết định đầu tư đội tàu bay thân hẹp theo định hướng hiện đại hóa đội bay, cũng như phương án lựa chọn công ty kiểm toán cho giai đoạn 2025-2027 và phương án kiện toàn nhân sự thành viên Hội đồng Quản trị.
![]() |
Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vietnam Airlines tổ chức chiều ngày 15/5. Ảnh: Vietnam Airlines. |
Phát biểu tại đại hội, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ được Vietnam Airlines sử dụng để bổ sung nguồn vốn thanh toán cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm thanh toán các khoản nợ đến hạn và quá hạn với nhà cung cấp, trả một phần nợ vay ngân hàng dài hạn đến hạn và thanh toán một phần khoản vay tái cấp vốn...
Chào bán tỷ lệ 1:1, huy động 9.000 tỷ đồng "Tổng công ty dự kiến chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện: 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới), tổng 900 triệu cổ phiếu phát hành thêm, tương ứng huy động 9.000 tỷ đồng. Dự kiến Tổng công ty chào bán 6 tháng cuối năm 2025 sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận" - lãnh đạo Vietnam Airlines nêu rõ. |
Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Vietnam Airlines cải thiện khả năng thanh khoản, nâng cao chất lượng các chỉ số tài chính và giảm hệ số nợ.
Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để hãng tiếp cận các nguồn vốn phục vụ cho việc phát triển đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ và triển khai các chiến lược dài hạn.
Tại đại hội, cổ đông quan tâm các nội dung trọng yếu liên quan đến quyền lợi và chiến lược phát triển của Vietnam Airlines.
Đơn cử, Tổng công ty sẽ triển khai giải pháp nào để cổ phiếu HVN sớm thoát khỏi tình trạng hạn chế giao dịch? Việc phát hành thêm cổ phiếu cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh pha loãng, ảnh hưởng đến cổ đông nhỏ lẻ.
Các cổ đông cũng đề nghị ban lãnh đạo Vietnam Airlines làm rõ về tiến trình đầu tư đội tàu bay thân hẹp; chiến lược phát triển đội tàu bay đến năm 2030 để đảm bảo tăng trưởng bền vững; tiến độ xử lý vấn đề kỹ thuật liên quan đến động cơ tàu bay và thời điểm sửa chữa xong các động cơ thay thế.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng đặt câu hỏi về kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2025, yếu tố then chốt đưa đến kết quả khả quan này. Ngoài ra, các nội dung về việc tham gia vào dự án sân bay Long Thành, kế hoạch thoái vốn tại các công ty con cũng được đặc biệt quan tâm.
Đẩy mạnh tái cơ cấu và hiện đại hóa đội bay
Phản hồi ý kiến cổ đông, đại diện phụ trách tài chính của Tổng công ty cho biết, Vietnam Airlines đang nỗ lực khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát thông qua việc tập trung cải thiện tình hình tài chính, giảm thiểu thua lỗ và nâng cao doanh thu.
Trong năm 2024, hãng đạt kết quả ấn tượng với lợi nhuận gần 8.000 tỷ đồng, nhờ triển khai hàng loạt giải pháp tự thân. Bước sang năm 2025, Vietnam Airlines kỳ vọng lợi nhuận sẽ tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng tích cực, cổ phiếu HVN sớm thoát khỏi diện kiểm soát.
Để đạt kết quả kinh doanh khả quan thời gian qua, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, có nhiều yếu tố thuận lợi như sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường hành khách quốc tế, giá nhiên liệu dần ổn định.
Cũng theo ông Đặng Ngọc Hòa, kết quả kinh doanh đạt được là nhờ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm tái cơ cấu theo Nghị quyết 18, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu suất khai thác đội tàu bay, dù vẫn gặp khó khăn về đứt gãy nguồn cung động cơ.
Dù Vietnam Airlines nỗ lực tự thân đáng kể, tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 vẫn để lại nhiều hệ lụy, đòi hỏi sự hỗ trợ thêm từ cổ đông Nhà nước để phục hồi toàn diện và phát triển bền vững.
"Đặc biệt, việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu giúp vốn chủ sở hữu của công ty mẹ và hợp nhất dương trở lại, nhằm phục vụ cho các dự án trọng điểm và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn" - ông Hoà nhấn mạnh.
![]() |
Đồ hoạ: Ánh Tuyết. |
Về chiến lược hiện đại hóa đội bay, Vietnam Airlines tập trung đầu tư vào các dòng tàu bay thân hẹp nhằm nâng cao hiệu suất khai thác và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng. Theo đó, Vietnam Airlines đề xuất đầu tư 50 máy bay thân hẹp thuộc dòng Airbus A320NEO hoặc Boeing B737 MAX cùng 10 động cơ dự phòng, với tổng mức đầu tư trên 92 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6 tỷ USD. |
Song song với đó, Tổng công ty cũng đẩy mạnh mở mới và khôi phục khai thác 15 đường bay quốc tế trọng điểm đến các thị trường như Ý, Nga, Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản và UAE. Những bước đi này sẽ giúp Vietnam Airlines mở rộng thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Được biết, Vietnam Airlines lên kế hoạch tăng cường đội bay thân hẹp từ năm 2017 để nâng cao hiệu quả khai thác, song kế hoạch gián đoạn vì đại dịch.
Cũng theo lãnh đạo Tổng công ty, nhiều ngân hàng Singapore, Hà Lan... sẵn sàng tài trợ vốn cho Vietnam Airlines. Trước đó, cuối tháng 4/2025 vừa qua, Vietnam Airlines và Vietcombank ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thu xếp vốn cho dự án đầu tư đội bay thân hẹp. Vietnam Airlines cũng ký biên bản ghi nhớ với CitiBank về khoản tài trợ 560 triệu USD cho các dự án trọng điểm, trong đó có đầu tư máy bay.
Theo kế hoạch phát triển đội bay, đến năm 2030 Vietnam Airlines dự kiến cần 37 máy bay thân rộng, 95 máy bay thân hẹp và 5 máy bay ATR. Đến năm 2035, đội bay sẽ tăng lên 52 máy bay thân rộng và 112 máy bay thân hẹp. Tính đến cuối năm 2024, đội bay của hãng gồm 103 máy bay hiện đại, đáp ứng khai thác linh hoạt trên các đường bay trong nước, khu vực và quốc tế./.