Vinaconex muốn thoái hết vốn tại công ty liên kết chuyên xuất khẩu lao động

Với mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) đăng ký bán toàn bộ 44.2% vốn tại CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (HNX: VCM).

Vinaconex muốn thoái hết vốn tại công ty liên kết chuyên xuất khẩu lao động

Với mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) đăng ký bán toàn bộ 44.2% vốn tại CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (HNX: VCM).

Cụ thể, VCG sẽ bán hơn 1.3 triệu cp VCM cho các nhà đầu tư, tương đương tỷ lệ 44.2% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 21/06-20/07/2023. Nhà đầu tư mua cổ phần VCM của Vinaconex sẽ không tiếp tục sử dụng thương hiệu Vinaconex.

Với giá VCM là 23,900 đồng/cp (phiên chiều 16/06), dự kiến VCG sẽ thu về khoảng 32 tỷ đồng từ thương vụ.

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2023, tại thời điểm cuối tháng 3, Vinaconex ghi nhận khoản đầu tư vào VCM hơn 32 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 44.2%.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2023 của VCG

Đáng chú ý, VCM không phải là công ty duy nhất mà Vinaconex tiến hành thoái vốn trong thời gian gần đây. Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, Vinaconex đã thoái bớt vốn tại 4 công ty con.

Gần nhất, ngày 02/06, Vinaconex bán ra 506,000 cp CTCP Tư vấn Xây dựng Vinaconex (Vinaconsult, UPCoM: VCT) như đăng ký, hạ tỷ lệ sở hữu từ 51% (561,000 cp) xuống còn 5% (55,000 cp). Như vậy, VCT không còn là công ty con của VCG.

*Vinaconex tiếp tục thoái vốn công ty con

Trở lại với CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (VCM), đơn vị này tiền thân là Trung tâm Xuất khẩu lao động trực thuộc Vinaconex, được thành lập ngày 03/05/2007. Lĩnh vực hoạt động chính là xuất khẩu lao động và đào tạo nghề, kinh doanh xuất nhập khẩu và du lịch.

Công ty có trụ sở chính tại tầng 5, tòa nhà 25T1 đường Trần Duy Hường, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Minh Phú, đồng thời là Tổng Giám đốc.

Theo giới thiệu trên website Công ty, VMC đã đưa được hơn 80,000 lượt lao động đi làm việc cho hơn 100 đối tác trên thế giới với nhiều nhóm nghề đa dạng.

Đáng chú ý, vào ngày 09/05, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với VCM tổng số tiền 132.5 triệu đồng.

Cụ thể, với hành vi không duy trì một trong các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở ngước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động, VCM bị xử phạt số tiền 60 triệu đồng.

Bên cạnh đó, VCM bị xử phạt 60 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 4 người lao động.

Quyết định xử phạt còn chỉ rõ, VCM đã đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật, do đó Công ty cũng bị xử phạt số tiền 12.5 triệu đồng.

Đặc biệt, VCM còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1,2, 3, 4 Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 9 tháng.

Điểm lại kết quả kinh doanh quý 1/2023, VCM ghi nhận doanh thu thuần hơn 3 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.7 triệu đồng, tăng lần lượt 17% và 40% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi ròng hàng quý giai đoạn 2022-2023 của VCM

Thế Mạnh

FILI