Vinhomes hé lộ giá trị thương vụ mua lại cổ phiếu lớn nhất lịch sử
Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) vừa báo cáo kết quả giao dịch mua lại cổ phiếu sau khi kết thúc thương vụ lớn nhất lịch sử. Theo đó, Vinhomes đã mua vào gần 247 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 66,75% tổng số lượng đăng ký ban đầu (370 triệu cổ phiếu).
Giá giao dịch bình quân là 42.444,36 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền mà Vinhomes đã chi là gần 10.500 tỷ đồng.
Trong quá trình Vinhomes thực hiện giao dịch, các chuyên gia chứng khoán nhận định với giá trị sổ sách của cổ phiếu VHM ở mức khoảng 44.000 đồng/cổ phiếu, vùng giá mà Vinhomes mua vào cổ phiếu từ 44.000 – 50.000 đồng/cổ phiếu là hợp lý. Vì khi mua đắt hơn vùng giá này, Vinhomes có thể phải giải trình với ĐHĐCĐ, do đó mua quanh mức giá trị sổ sách được đánh giá là phương án hợp lý.
Kết quả, Vinhomes đã đạt được mức giá thấp hơn giá trị sổ sách, tuy nhiên lại không đạt về số lượng khi chỉ hoàn thành khoảng 2/3 kế hoạch.
Sau khi hoàn tất giao dịch, vốn điều lệ của Vinhomes đã giảm từ 43.544 tỷ đồng xuống còn 41.074 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết giảm tương đương từ hơn 4,3 tỷ cổ phiếu còn hơn 4,1 tỷ đổng phiếu.
Trong khi Vinhomes miệt mài mua vào cổ phiếu VHM, các nhà đầu tư nước ngoài lại có động thái trái ngược hoàn toàn khi liên tục bán ròng. Khối lượng bán ròng cổ phiếu VHM của khối ngoại trong thời gian qua lên tới hơn 90 triệu đơn vị, tương đương khoảng 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ đã chậm dần và đảo chiều sang mua ròng ngay khi Vinhomes kết thúc thương vụ này.
Dẫu vậy, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinhomes đã giảm từ mức 22,5% ở thời điểm đầu năm 2024 xuống còn 11,73% ở thời điểm hiện tại. Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong xu thế bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VHM là một trong những cổ phiếu bị ảnh hưởng lớn nhất.
Tuy nhiên, đà bán ròng sẽ sớm dừng lại khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất và kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi, từ đó áp lực bán VHM của khối ngoại sẽ được giảm bớt. Ngoài ra, MBS cho rằng sau khi hoàn tất mua cổ phiếu quỹ, lợi ích cổ đông của Vinhomes sẽ được gia tăng thông qua tỷ lệ kiểm soát và lãi được chia hàng năm.
Về xu hướng giá, khi Vinhomes công bố về kế hoạch mua lại cổ phiếu, thị giá của VHM ngay lập tức phản ứng và trở nên tích cực hơn trên thị trường chứng khoán. Từ vùng giá dưới 35.000 đồng/cổ phiếu, VHM đã tăng 30% chỉ trong hơn 2 tháng.
Cho đến khi ngày thương vụ bắt đầu (23/10), thị giá của VHM lại quay đầu và mất gần 15% khi mới đi được nửa thời gian trong quá trình mua lại cổ phiếu. Đóng cửa phiên 26/11, VHM dừng lại mốc 42.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 12% so với thời điểm trước khi thương vụ bắt đầu.
Về tình hình kinh doanh, sau 9 tháng năm 2024, Vinhomes ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 69.910 tỷ đồng và tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi (bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes và các hợp đồng hợp tác kinh doanh) đạt 90.923 tỷ đồng.
Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty đạt 20.600 tỷ đồng. Kết quả này được hỗ trợ bởi việc bàn giao các dự án Vinhomes Ocean Park 2 – 3 và ghi nhận kết quả kinh doanh tại dự án Vinhomes Royal Island trong kỳ.
Năm 2024, MBS dự phóng lợi nhuận ròng của Vinhomes sẽ đựt 35.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, doanh số bán hàng đạt 113.000 tỷ đồng, tăng 30% nhờ bán bất động sản tại dự án Royal Island và phần còn lại tại Ocean Park 2 – 3, Golden Avenue và Grand Park.
Sang năm 2025-2026, doanh số bán hàng có thể giảm lần lượt 12% và 10% so với cùng kỳ do kế hoạch mở bán dự án mới trong thời gian tới chỉ có Wonder Park trong khi khả năng VEF sẽ chuyển nhượng Global Gate cho đối tác khác. MBS dự phóng lợi nhuận ròng của Vinhomes sẽ tăng trưởng lần lượt 11% và 4% so với cùng kỳ trong giai đoạn này.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn