Vốn ngoại bất ngờ bán ròng hơn 1.100 tỷ, thị trường vẫn tăng rực rỡ
Thị trường rung lắc nhiều đợt trong phiên chiều nay nhưng hầu như chỉ có blue-chips là nguồn cơn biến động. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng rực rỡ, thậm chí nhiều mã lọt vào nhóm thanh khoản cao nhất thị trường với giá tăng ấn tượng.
Điểm nhấn bất ngờ hôm nay là áp lực bán cực lớn từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Phiên sáng khối này đã xả ròng 800 tỷ đồng, chiều nay bán tiếp 306 tỷ đồng nữa. Thị trường lại xuất hiện một phiên vốn ngoại rút ròng trên ngàn tỷ kể từ sau ngày 17/4 vừa qua.
Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 725 tỷ đồng với nhiều mã bị xả rất mạnh: HPG -157,2 tỷ, VIC -136,4 tỷ, VCB -100 tỷ, VRE -97,6 tỷ, VNM -79,7 tỷ, STB -71,3 tỷ, MWG -53,7 tỷ, SSI -51,4 tỷ, MBB -50,3 tỷ…
Nhóm VN30 hôm nay chịu sức ép khá lớn từ khối ngoại khi tổng giá trị bán ra với cổ phiếu nhóm này chiếm 33,6% thanh khoản. Nhìn từ góc độ này thì khả năng chống chịu của bên mua vẫn khá tốt. VN30-Index đóng cửa tăng 0,25% với 14 mã tăng/11 mã giảm. Chỉ một số mã giảm giá có quy mô bán lớn từ khối ngoại như MBB giảm 0,2%, MWG giảm 0,31%, VCB giảm 0,35%, VRE giảm 0,78%, VNM giảm 0,54%... Một số khác như HPG, VIC tuy bị xả nhiều nhưng giá cũng không giảm. Thêm nữa, biên độ giảm giá như vậy cũng là không đáng kể.
Ở các cổ phiếu ngoài rổ blue-chips, không phải “cân” áp lực từ khối ngoại, đà tăng giá lan tỏa rộng. Tuy số lượng mã tăng giảm cuối ngày là 219 mã tăng/80 mã giảm, không chênh lệch quá nhiều so với phiên sáng (210 mã tăng/92 mã giảm) nhưng mặt bằng giá thì cao hơn. Cụ thể, phiên sáng sàn HoSE mới có 113 mã tăng trên 1% thì chiều nay là 132 mã, trong đó số tăng vượt 2% là 75 mã. Rổ VN30 chỉ đóng góp VIB tăng 2,19% và BVH tăng 2,14%.
Tới 20 cổ phiếu trong nhóm vừa và nhỏ đạt biên độ tăng giá quá 2% và thanh khoản vượt 100 tỷ đồng. Đây là nhóm hút dòng tiền và có hiệu quả giá rõ nét nhất. DIG, GMD, HAH, TCM còn đóng cửa kịch trần. VND, DXG, GEX, PDR, VSC, HHV, CTD khớp trên 200 tỷ đồng mỗi cổ phiếu. Thậm chí tuy chỉ 75 mã nhưng nhóm tăng mạnh nhất này chiếm tới 29% tổng giá trị khớp lệnh cả sàn HoSE. Điều này cho thấy sức đẩy của dòng tiền là rất hiệu quả và rất tập trung.

Trong khi thanh khoản của rổ VN30 hôm nay sụt giảm gần 4% so với hôm qua thì nhóm Midcap tăng 23% và toàn sàn HoSE tăng gần 11%. Gần như toàn bộ mức tăng thanh khoản của sàn này đến như nhóm Midcap (2.177 tỷ đồng trong tổng số 2.247 tỷ đồng tăng thêm). Chỉ số Midcap đóng cửa tăng 1,56%, mạnh hơn so với Smallcap tăng 1,34% và càng vượt trội mức tăng 0,25% của VN30-Index hay 0,55% của VN-Index.
Điều đáng chú ý là chỉ số Midcap vẫn còn khoảng cách khá xa so với đỉnh cũ tháng 3 vừa qua, khoảng -3,55%. Chỉ số Smallcap cũng đang thấp hơn khoảng 4,26% trong khi đó VN-Index đã quay về đỉnh cũ, VN30-Index vượt đỉnh khoảng 2,33%. Ngoài ra nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn còn thấp xa so với đỉnh ngắn hạn tương ứng. Đây có thể là nguyên nhân thúc đẩy dòng tiền đổ mạnh hơn vào các nhóm cổ phiếu này.
Hiện VN-Index vẫn đang được các cổ phiếu vốn hóa lớn chống đỡ và cân bằng lẫn nhau. Hôm nay chỉ số thậm chí có 3 nhịp điều chỉnh, với 2 nhịp trong phiên chiều cũng lùi sát tham chiếu. Đó cũng là thời điểm VIC, VHM biến động mạnh. May mắn là đến cuối phiên VHM lại được kéo lên, VIC về tham chiếu. Sự hỗ trợ cân bằng lại từ BID, TCB, CTG, FPT cũng là yếu tố giữ VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Trong điều kiện ổn định như vậy, dòng tiền có bối cảnh tốt để hoạt động mạnh trong các nhóm cổ phiếu tiềm năng. Tuy nhiên rủi ro cũng chính từ việc neo giữ như vậy, vì khi các trụ điều chỉnh mạnh một nhịp, VN-Index sẽ mất nhiều điểm và tác động lên tâm lý chung.
Xem thêm tại vneconomy.vn