Diễn biến tích cực này được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu tạm thời hạ nhiệt.
Dòng tiền và tâm lý được cải thiện
Dấu hiệu giảm leo thang trong chiến tranh thương mại đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Hiện tại, dòng vốn ngoại đang có xu hướng ưu tiên các thị trường chứng khoán được xếp hạng mới nổi (Emerging Markets) tại khu vực Đông Á, đặc biệt là những quốc gia có thu nhập bình quân trung bình cao và quy mô kinh tế lớn như Hàn Quốc, Ấn Độ..., với tổng giá trị mua ròng đạt khoảng 4,2 tỷ USD chỉ trong tuần vừa qua.
Với Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, khối ngoại đã quay lại mua ròng trong tháng 5/2025 với giá trị hơn 5.100 tỷ đồng (tương đương 202 triệu USD), mức mua ròng theo tháng mạnh nhất kể từ đầu năm 2023. Đây là tín hiệu đảo chiều đầu tiên của dòng vốn này sau giai đoạn bán ròng kéo dài hơn 2 năm, với tổng giá trị lên tới 150.000 tỷ đồng (6,1 tỷ USD).
Chúng tôi ghi nhận sự tham gia mạnh hơn từ các quỹ tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Âu, Mỹ và Singapore, những bên thường theo đuổi chiến lược phân bổ dài hạn và thận trọng, giải ngân vốn theo từng phiên, thay vì rót vào một lần duy nhất. Họ ưu tiên cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm có ảnh hưởng mạnh đến diễn biến chỉ số, cho thấy dòng vốn ngoại này có thể đóng vai trò định hướng cho tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước. Ít bị tác động bởi các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn và vùng kháng cự, dòng vốn này có khả năng góp phần kích hoạt những phiên giao dịch bứt phá trong ngắn hạn khi nhà đầu tư nội nhận thấy đà giải ngân đều đặn và quyết định gia nhập theo.
Trong bối cảnh mặt bằng giá đã giảm sâu và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên dễ chấp nhận hơn. Với mức P/E dự báo năm 2025 chỉ khoảng 10,5 lần, thấp hơn trung bình 5 năm qua cũng như so với nhiều thị trường trong khu vực, VN-Index có tiềm năng tiếp tục tăng giá. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, sau nhịp hồi phục mạnh mẽ gần đây, diễn biến rung lắc tạm thời là điều khó tránh khỏi.
![]() |
Nguồn: Phòng Nghiên cứu Chiến lược thị trường HSC tổng hợp, FiinPro |
Cơ hội tích lũy cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành
Nếu VN-Index xảy ra nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng đây chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật lành mạnh, trừ khi xuất hiện thông tin tiêu cực đáng kể liên quan đến đàm phán thương mại Việt - Mỹ. Thị trường vẫn đang trong xu hướng hồi phục, nhưng đà tăng của VN-Index có thể chững lại trong ngắn hạn do áp lực từ hai yếu tố: dòng vốn ngoại có thể tạm lắng sau giai đoạn giải ngân mạnh và nhóm cổ phiếu Vingroup (với tỷ trọng lớn trong chỉ số, chiếm khoảng 18% VN30) đang đối mặt với rủi ro điều chỉnh kỹ thuật khi bước sâu vào vùng quá mua.
Bên cạnh đó, diễn biến tỷ giá tiếp tục là yếu tố gây lo ngại. Động thái liên tiếp nâng tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nỗ lực ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cũng đặt ra sức ép không nhỏ cho thị trường tài chính.
Trước những tín hiệu kể trên, chúng tôi khuyến nghị, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) trong giai đoạn này. Thay vào đó, ưu tiên chờ đợi cơ hội để tích lũy cổ phiếu khi thị trường điều chỉnh kỹ thuật.
Với kịch bản cơ sở, khi đàm phán thương mại suôn sẻ và tình hình thế giới rõ ràng hơn, chúng tôi thấy thị trường vẫn có cơ hội mới. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn, với nhiều mã chưa phục hồi về mặt bằng trước khi lao dốc trong những phiên đầu tháng 4/2025, dù nền tảng cơ bản vững vàng và triển vọng kinh doanh năm 2025 là tích cực.
Ngành bất động sản có thể thu hút trở lại sự quan tâm của nhà đầu tư, khi các lo ngại liên quan đến thuế quan dần lắng xuống. Trong khi đó, các chủ đề mang tính cấu trúc như đầu tư công, môi giới chứng khoán, bán lẻ, tiêu dùng, xuất khẩu, logistics và khu công nghiệp duy trì sức hấp dẫn. Đáng chú ý, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn trong nước phát triển.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của nhóm vốn hóa lớn bắt đầu phục hồi từ quý III/2024 và tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý I/2025, trong đó ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng về lợi nhuận sau thuế 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố chính thu hút dòng vốn ngoại vào nhóm vốn hóa lớn, bao gồm ngân hàng.
Với nhà đầu tư ưa mạo hiểm, nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt (alpha) như chứng khoán, xuất khẩu, cảng biển và bất động sản khu công nghiệp cũng rất đáng quan tâm trong các nhịp thị trường điều chỉnh kỹ thuật. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hiện thực hóa Nghị quyết 68-NQ/TW, các tập đoàn đầu tàu như Vingroup, Masan… đáng theo dõi trong chiến lược đầu tư giai đoạn tới.