VPBank muốn giảm tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của FE CREDIT

Ngày 29/4/2024, dù trong giữa kỳ nghỉ lễ dài ngày nhưng vẫn rất đông đảo cổ đông đến tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của VPBank. Theo đó, ĐHĐCĐ đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm 2023.

Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán VPBankS đóng góp 1.902 tỷ đồng và Công ty Bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận. Công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau 2 năm liền thua lỗ với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.

Nói thêm về vấn đề lợi nhuận của FE CREDIT, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, FE CREDIT là “đứa con chung” của VPBank và đối tác Ngân hàng SMBC (Nhật Bản) nên được cam kết hỗ trợ về nhân lực, công nghệ và tạo vốn, đưa chi phí vốn của FE CREDIT giảm xuống. Cũng theo ông Vinh, 2 năm qua, tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng do nhu cầu suy giảm và những dư luận chưa tốt về tín dụng tiêu dùng, trong khi FE CREDIT là công ty tài chính có thị phần lớn nhất nên phải chịu mức lỗ lớn nhất, nợ xấu tăng lên. Vì thế, 2024 sẽ là năm bản lề để FE CREDIT khắc phục khó khăn, dự kiến lợi nhuận từ năm 2025 sẽ quay lại mức 3.000-4.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, cũng theo Tổng giám đốc VPBank, ngân hàng đang muốn đưa tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của FE CREDIT giảm xuống, bởi những năm trước lợi nhuận từ FE CREDIT đóng góp tới 40% vào tổng lợi nhuận của VPBank, nên phải đa dạng hoá kinh doanh, gia tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận từ các mảng khác như bảo hiểm, chứng khoán…

Cũng tại Đại hội, ĐHĐCĐ VPBank đã thông qua một số mục tiêu tài chính khác như tăng trưởng tín dụng đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước.

Về tổng tài sản của VPBank, ngân hàng dự kiến mở rộng 19% lên 974.270 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của ngân hàng mẹ đạt 898.350 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng dự kiến tiến thêm 22%, lên 598.864 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, HĐQT VPBank đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 2,95%.

Trao đổi với cổ đông về vấn đề nợ xấu, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, năm 2023, công tác thu hồi nợ xấu rất khó khăn nên tỷ lệ nợ xấu của VPBank đã tăng lên và đã được cải thiện trong quý 1/2024. Theo ông Vinh, nợ xấu sẽ bắt đầu giảm dần trong 6 tháng cuối năm và phục hồi tốt hơn vào năm 2025 nên VPBank sẽ giảm dần tỷ lệ nợ xấu và cam kết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng trong năm 2024 ở mức dưới 3% tổng dư nợ.

Chính vì tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức cao nên VPBank đã phải tăng mức trích lập dự phòng rủi ro. Ông Nguyễn Đức Vinh cho hay, dự kiến năm 2024 dự phòng ở mức 13.500 tỷ đồng, nhưng nếu thị trường thuận lợi và VPBank thực hiện tốt công tác thu hồi nợ thì khoản dự phòng này có thể trở lại thành lợi nhuận trong tương lai.

Cùng với những vấn đề trên, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Theo đó, trong quý 2 hoặc quý 3/2024, VPBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn.

Tại đại hội, các cổ đông cũng đã bỏ phiếu tán thành việc bổ sung thêm hai thành viên mới vào HĐQT là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung. Trong đó, ông Takeshi Kimoto đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại SMBC.

Bên cạnh đó, đại hội cũng thông qua kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng có tổng tài sản, vốn chủ sở hữu không vượt quá 5% quy mô tương ứng của VPBank vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ không quá 5.000 tỷ đồng. VPBank cũng dự kiến sẽ thành lập một chi nhánh, ngân hàng con hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài (Nhật Bản).

Chia sẻ thêm tại ĐHĐCĐ về vấn đề nhận chuyển giao, tham gia tái cơ cấu ngân hàng “0 đồng”, theo Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng, VPBank đã có sự tham gia của đối tác SMBC nên có nền tảng vốn tốt, hơn nữa, tham gia vào tái cơ cấu thì dù ngân hàng không có lợi ngay về mặt tài chính nhưng sẽ có những lợi ích về tăng trưởng tín dụng, được ưu tiên mở "room" nước ngoài…

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn