Vướng mắc cuối cùng tại Sacombank

Kết quả hoạt động năm 2023 cho thấy, Sacombank đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đề ra, đáng chú ý như lợi nhuận trước thuế đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51,4%. Các chỉ tiêu sinh lời ROA, ROE lần lượt đạt 1,22% và 18,3%.

Tổng tài sản ngân hàng đạt 674.390 tỷ đồng, tăng 13,9%. Tổng nguồn vốn huy động tại Sacombank đạt 578.029 tỷ đồng, tăng 11,3%, trong đó 90,8% đến từ thị trường 1, chiếm 3,9% tiền gửi toàn ngành.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 482.731 tỷ đồng, tăng 10%, chiếm 3,5% thị phần toàn ngành. Nợ xấu tổng thể giảm 0,16%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,1%, tăng 1,18% so với đầu năm trong bối cảnh rủi ro tín dụng gia tăng và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.

Tại đại hội đồng cổ đông 2024, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết: "Sacombank đang thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, còn vướng mắc cuối cùng liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê. Sacombank hiện đã trình NHNN và đang chờ phê duyệt".

Chia sẻ với các cổ đông về việc nhiều năm không chia cổ tức, bà Diễm khẳng định ngân hàng rất thấu hiểu mong muốn này và đang nỗ lực làm việc với NHNN để được chia cổ tức. Nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng với lợi nhuận chưa phân phối đã lên đến gần 18.400 tỷ đồng, tương đương gần 100% vốn điều lệ và sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Vướng mắc cuối cùng tại Sacombank
Vướng mắc cuối cùng tại Sacombank liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê - Ảnh: Sacombank

"Mặc dù chưa được chia cổ tức, nhưng thị giá của Sacombank đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian qua cũng phần nào bù đắp cho cổ đông", bà Diễm khẳng định.

Lãnh đạo cũng cho biết thêm, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ dự án Khu công nghiệp Phong Phú, thu hồi thành công 20% giá trị. Bên trúng đấu giá sẽ tiếp tục thanh toán cho Sacombank theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án.

Cũng trong năm ngoái, Sacombank đã thu hồi xử lý 7.941 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 4.487 tỷ đồng là thuộc đề án tái cơ cấu, kéo giảm tỷ trọng hạng mục này trong tổng tài sản xuống còn 3%.

Sacombank cũng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, tổng số dư dự phòng hiện là 25.099 tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó dự phòng cho vay tăng 34,3%, hoàn tất 100% đối với toàn bộ danh mục nợ bán VAMC.

Dựa trên các kết quả này, Moody’s đã khôi phục xếp hạng tín nhiệm của Sacombank về mức trước sáp nhập, từ B3 lên B2 và cập nhật xếp hạng từ mức Caa1 lên B3 đối với các hạng mục đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh.

Về hiệu quả hoạt động, Sacombank đã tích cực chuyển đổi số trong bán lẻ và quy trình vận hành. Số lượng khách hàng đã vượt mốc 18 triệu khách hàng, số lượng khách hàng online đạt 8,9 triệu, tăng 19,8%. Số lượng giao dịch qua kênh số đạt 508 triệu, tăng 51%.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, Sacombank vẫn tự tin đặt mục tiêu "tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số" cho năm 2024 với các chỉ số tài chính dự kiến tăng trưởng từ 10%.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự kiến sẽ đạt 10.600 tỷ đồng, tổng tài sản tăng lên 724.100 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt 636.600 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 535.800 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu dưới 2%.

"Với một ngân hàng đang tái cơ cấu như Sacombank, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 10% có thể không quá cao nhưng đây là mức tăng trưởng phù hợp với các điều kiện thực tại vì Sacombank cần củng cố nền tảng tài chính, tập trung toàn lực xử lý dứt điểm các tồn đọng để hoàn thành đề án tái cơ cấu", lãnh đạo ngân hàng nói.

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.654 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 693.500 tỷ đồng, tổng huy động hơn 606.200 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng hơn 500.400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,1%.

Xem thêm tại theleader.vn