5 ngân hàng triển khai cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận
5 ngân hàng triển khai cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận
Tại họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2025 diễn ra ngày 26/5, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cơ quan này đang phối hợp với C06, Bộ Công an xây dựng kho dữ liệu về tài khoản nghi ngờ gian lận.
Theo đó, 5 ngân hàng thương mại lớn gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MB triển khai tính năng cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận.
Trong đó, BIDV là ngân hàng được chọn làm thí điểm từ 1/4, đến nay đã đạt được những con số rất tích cực.
Theo báo cáo của BIDV, đến nay, sau gần 2 tháng áp dụng, đã có trên 100 tỷ đồng là tiền của khách hàng được giữ lại, tránh bị lừa đảo nhờ việc cảnh báo tài khoản nghi ngờ gian lận.
"Đây là kết quả rất tích cực khi mới chỉ áp dụng thí điểm ở một ngân hàng, thời gian tới, nếu triển khai rộng rãi trên toàn ngành, con số ghi nhận được sẽ là rất lớn, giúp khách hàng yên tâm hơn trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng", ông Tuấn chia sẻ.

Toàn cảnh buổi họp báo ngày 26/5. Ảnh: NHNN
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng sẽ triển khai tính năng này kể từ ngày 30/6. Ngày 4/7, VietinBank triển khai trên VietinBank iPay. Ngân hàng MB, sau thời gian thử nghiệm hiệu quả, sẽ chính thức triển khai từ ngày 14/7. Agribank cũng chính thức triển khai từ ngày 24/7.
Với dịch vụ này, khi khách hàng chuyển tiền qua app ngân hàng sẽ nhận được thông báo về trạng thái của tài khoản người nhận có bị nghi ngờ gian lận tại nhà băng nào khác trong hệ thống hay không. Sau đó, người chuyển tiền sẽ quyết định việc có chuyển tiếp hay không, đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm với giao dịch của mình.
Ông Tuấn cho biết sau khi hoàn tất triển khai ở 5 ngân hàng lớn và rút ra các bài học kinh nghiệm, NHNN dự kiến hoàn thành triển khai dịch vụ này trên toàn hệ thống ngay trong năm nay.
Với trường hợp tài khoản trước đó bị nghi ngờ gian lận nhưng sau đó đã được xác thực an toàn, ông Tuấn cho biết tài khoản sẽ được đưa ra khỏi diện nghị ngờ và giao dịch như bình thường.
Siết quản lý tài khoản ngân hàng của tổ chức
Cũng tại họp báo, ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm, NHNN đang hành động quyết liệt nhằm khép chặt các "kẽ hở" trong hệ sinh thái tài chính số.
Một loạt biện pháp mới đã được triển khai, bao gồm việc thành lập kho dữ liệu tài khoản đáng ngờ, giám sát hành vi bất thường và đặc biệt là siết chặt quy định sinh trắc học không chỉ với cá nhân mà cả tổ chức.
Một trong những bước đi nổi bật là việc ban hành Thông tư 17 ngày 1/7/2024 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó lần đầu tiên đề cập yêu cầu thu thập thông tin sinh trắc học đối với người dùng tài khoản. Đồng thời yêu cầu từ 1/7 tới, khách hàng tổ chức chỉ được giao dịch điện tử sau khi xác thực sinh trắc học trùng khớp với dữ liệu định danh.
Trong lộ trình sửa đổi Thông tư này, đại diện NHNN cho biết cũng sẽ tăng cường siết chặt quản lý tài khoản tổ chức, yêu cầu doanh nghiệp phải trực tiếp đến tổ chức tín dụng để mở tài khoản, không cho phép mở qua thư hoặc ủy quyền.
Đồng thời, việc sửa đổi yêu cầu thu thập thông tin sinh trắc học của tất cả từ cá nhân đến tổ chức khi thực hiện giao dịch bằng thẻ để đảm bảo tài khoản giao dịch chính chủ.
Ông Tuấn cho biết NHNN đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi và sẽ lấy ý kiến các tổ chức tín dụng và thông báo lấy ý kiến rộng rãi toàn dân. Quá trình tiếp thu ý kiến đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện văn bản trong tháng 6, đảm bảo đúng quy trình ban hành chính sách.
Ông khẳng định không có chuyện siết chặt vô lý với doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, lành mạnh. NHNN luôn nắm bắt khó khăn từ phía các tổ chức cung ứng dịch vụ, sẽ miễn trừ với các doanh nghiệp thuộc nhóm 500 Fortune, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước… vì người đại diện pháp luật đã cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, đảm bảo xác thực chính chủ trong sử dụng tài khoản.
NHNN cũng dự thảo sẽ điều chỉnh lại việc sử dụng alias (bí danh) trong tên tài khoản nhằm chấm dứt tình trạng một số cá nhân lợi dụng tài khoản tổ chức để mạo danh, gây nhầm lẫn cho người chuyển tiền.
Theo đó, tài khoản nhận tiền phải thể hiện rõ thông tin người nhận, số tài khoản chính thức do ngân hàng phát hành, không cho phép dùng biệt danh dễ gây hiểu nhầm.
Đáng chú ý, NHNN đang đôn đốc khẩn trương các ngân hàng và trung gian thanh toán triển khai ứng dụng VNeID trong xác thực và giao dịch ngân hàng. Dù đã có khoảng 32 ngân hàng và 15 đơn vị trung gian phối hợp với Bộ Công an nhưng mới chỉ 18 đơn vị chính thức triển khai.
NHNN sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để thúc đẩy quá trình này, đặc biệt trong bối cảnh Luật Căn cước công dân sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Việc ứng dụng VNeID giúp đối chiếu thông tin khách hàng nhanh chóng, chính xác và khắc phục những tồn tại trong trải nghiệm người dùng.
Hoàng Lam (t/h)
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn