6 tháng bận rộn của 5 tỷ phú Việt

6 tháng bận rộn của 5 tỷ phú Việt- Ảnh 1.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Tại thời điểm 30/6/2025, Forbes xác định tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ở mức 10,5 tỷ USD và giàu thứ 273 thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Tập đoàn Vingroup dưới sự điều hành của ông Phạm Nhật Vượng triển khai hàng loạt hoạt động lớn trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, hạ tầng, bất động sản đến du lịch và giao thông vận tải.

Mới đây nhất, ngày 29/6 vừa qua, nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh chính thức được khánh thành sau hơn 7 tháng thi công. Đây là nhà máy thứ hai của VinFast tại Việt Nam, có diện tích hơn 36 ha, công suất thiết kế giai đoạn đầu 300.000 xe/năm và dự kiến nâng lên 600.000 xe/năm trong các giai đoạn tiếp theo. Dự án này được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng, sử dụng năng lượng tái tạo và khi đi vào vận hành sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động.

Trước đó ít hôm, Vingroup cũng chứng minh tốc độ thi công thần tốc của mình khi bàn giao Trung tâm Hội chợ – Triển lãm Việt Nam tại Đông Anh, Hà Nội. Dự án được khởi công từ tháng 8/2024, và hoàn thành sau gần 10 tháng thi công. Đây là trung tâm triển lãm lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại.

Trong lĩnh vực bất động sản, ngày 19/4, Vingroup tổ chức khởi công khu đô thị lấn biển Cần Giờ tại TP.HCM. Dự án có quy mô khoảng 2.870 ha, tổng vốn đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng, được quy hoạch thành tổ hợp đô thị, du lịch, thương mại và sinh thái. Đây là một trong những dự án có diện tích lớn nhất tại khu vực phía Nam và là một trong các dự án trọng điểm của Vingroup trong thời gian tới.

Ở lĩnh vực hạ tầng, ông Phạm Nhật Vượng đã thành lập công ty VinSpeed và VinSpeed đã đưa ra đề xuất làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, quy mô hơn 61 tỷ USD.

Ở lĩnh vực giao thông, thương hiệu taxi điện Xanh SM do ông Phạm Nhật Vượng sáng lập đạt mức thị phần lớn nhất trong nhóm xe điện tại Việt Nam và đang mở rộng mạnh mẽ sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. VinFast cũng duy trì vị thế xe bán chạy nhất Việt Nam và liên tục đưa ra thị trường các mẫu xe mới thuộc nhiều phân khúc khác nhau.

Trong mảng du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl – công ty con của Vingroup đã niêm yết trên HOSE từ giữa tháng 5/2025 và hiện có vốn hóa gần 170.000 tỷ đồng. Tổng cộng vốn hóa các công ty trong hệ sinh thái Vingroup gồm VIC, VHM, VPL và VRE hiện ở mức hơn 900.000 tỷ đồng.

6 tháng bận rộn của 5 tỷ phú Việt- Ảnh 2.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong suốt nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam. Forbes hiện xác định tài sản của bà Thảo là 2,5 tỷ USD, giàu thứ 1.517 thế giới.

Trong nửa đầu năm 2025, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cực kỳ bận rộn với những chuyến 'shopping' máy bay.

Ngày 18/6 vừa qua, Vietjet và hãng sản xuất máy bay Airbus công bố đơn đặt hàng lớn, gồm 100 máy bay và 50 quyền chọn mua A321neo mới. Đơn đặt hàng tiếp nối thoả thuận đặt mua thêm 20 tàu bay A330neo mới vào tháng trước, nâng tổng số tàu bay thân rộng lên 40 chiếc, cho phép hãng hàng không tăng cường thêm chuyến bay trên các đường bay có nhu cầu cao trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như ra mắt các đường bay dài mới đến Châu Âu trong tương lai.

Trước đó chỉ 2 ngày, vào ngày 16/6, Vietjet và Rolls-Royce ký kết đặt hàng thêm 40 động cơ Trent 7000 để vận hành 20 máy bay thân rộng Airbus A330neo. Đơn hàng lần này nối tiếp hợp đồng ký tại Triển lãm Hàng không Singapore 2024, nâng tổng số động cơ Trent 7000 mà Vietjet đã đặt lên con số 80.

Cũng trong quý I/2025, Vietjet công bố hoàn tất thương vụ đầu tư vào hãng hàng không quốc gia Kazakhstan – Qazaq Air. Sau khi tiếp nhận toàn bộ cổ phần từ phía đối tác Kazakhstan, Vietjet đổi tên hãng thành Vietjet Qazaqstan. Vietjet Qazaqstan là hãng hàng không thế hệ mới chi phí thấp, được kỳ vọng trở thành cầu nối hàng không chiến lược giữa Kazakhstan với Việt Nam, Đông Nam Á và các trung tâm hàng không quốc tế. Hãng sẽ phục vụ nhu cầu di chuyển ngày càng cao của người dân Kazakhstan, qua đó thúc đẩy du lịch, thương mại, logistics xuyên Á, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương với hàng nghìn việc làm chất lượng cao.

Song song với lĩnh vực hàng không, Tập đoàn Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đề xuất UBND TP.HCM việc đầu tư tuyến metro số 4 Đông Thạnh (Hóc Môn) - khu đô thị Hiệp Phước. Hiện nay, Tập đoàn Sovico với tổng tài sản hơn 187.000 tỷ đồng đang đầu tư hơn 30 doanh nghiệp thành viên, với đội ngũ hơn 40.000 cán bộ nhân viên.

Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như tài chính - ngân hàng, hàng không, bất động sản, chuyển đổi số và công nghệ, năng lượng tái tạo... Đồng thời là cổ đông sáng lập Hãng hàng không Vietjet Air.

6 tháng bận rộn của 5 tỷ phú Việt- Ảnh 3.

Tỷ phú Trần Đình Long

Là ông chủ của doanh nghiệp sản xuất thép số 1 Việt Nam, tỷ phú Trần Đình Long hiện sở hữu khối tài sản trị giá 2,3 tỷ USD, giàu thứ 1.650 thế giới.

Nâm nay, Hòa Phát của ông Long tiếp tục tập trung toàn bộ nguồn lực nhằm hoàn thành dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn đạt 15 triệu tấn/năm, dự kiến đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Điểm đáng chú ý của ông Long nửa đầu năm nay là tuyên bố cam kết tăng trưởng 15% mỗi năm từ năy cho đến năm 2030.

Cùng với đó, Hòa Phát cũng tuyên bố tham gia sản xuất thép ray đường sắt cao tốc Bắc Nam. Cuối tháng 5/2025, Hòa Phát và Tập đoàn SMS group (Đức) ký hợp đồng cung cấp công nghệ và dây chuyền sản xuất thép ray và thép hình với công suất 700.000 tấn/năm. Dự kiến dây chuyền sẽ hoàn thành trong vòng 20 tháng và cho ra đời những sản phẩm ray cao tốc đầu tiên vào quý 1/2027. Với việc đầu tư này, Tập đoàn Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp duy nhất ở Đông Nam Á sản xuất được thép ray cho đường sắt cao tốc.

Đây là hệ thống dây chuyền hiện đại nhất của châu Âu với hệ thống giá cán 4 trục siêu linh hoạt, mang đến độ chính xác vượt trội, đảm bảo chất lượng đồng nhất cho sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn về đường sắt cao tốc quốc tế. Hiện tại, 90% dây chuyền cán thép ray trên thế giới sử dụng công nghệ, thiết bị của SMS group.

Trong lĩnh vực Khu công nghiệp, Hòa Phát đã được Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Hòa Tâm gần 500ha. Dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng với mục tiêu sẽ phục vụ cho việc hình thành Khu liên hợp gang thép Hòa Phát có công suất dự kiến 6 triệu tấn/năm tại Phú Yên.

Với dự án mới này, tổng quỹ đất khu công nghiệp của Hòa Phát được quy hoạch hiện đạt gần 2.000 ha. Trước đó, Tập đoàn đã sở hữu và vận hành 04 dự án bao gồm: KCN Phố Nối A có quy mô hơn 689 ha (Hưng Yên), KCN Hòa Mạc 131 ha (Hà Nam), KCN Yên Mỹ II 313,5 ha (Hưng Yên) và gần đây nhất là Khu công nghiệp Đồng Phúc 354 ha (Bắc Giang).

6 tháng bận rộn của 5 tỷ phú Việt- Ảnh 4.

Tỷ phú Hồ Hùng Anh

Theo Forbes, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank hiện giàu thứ 1.631 thế giới, với tài sản 2,3 tỷ USD, ngang ngửa tỷ phú Trần Đình Long. Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, ông Hồ Hùng Anh đề ra mục tiêu nâng vốn hóa ngân hàng từ mức 7 tỷ USD lên mức 20 tỷ USD trong trong năm 2025.

Ngay sau đại hội cổ đông, cổ phiếu TCB lập tức nổi sóng. Vốn hóa thị trường của Techcombank từ đó tăng thêm hơn 1 tỷ USD chỉ trong ít ngày, đưa tổng vốn hóa đạt xấp xỉ 8 tỷ USD. Đà tăng đã tiếp tục được duy trì và đến nay vốn hóa Techcombank khoảng 9,2 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý là trong tháng 5/2025, ông Hồ Anh Minh – con trai ông Hồ Hùng Anh – góp vốn sáng lập công ty công nghệ blockchain mang tên 1Matrix. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, có trụ sở tại TP.HCM. Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, 1Matrix hoạt động trong các lĩnh vực chính bao gồm: phát triển nền tảng blockchain ứng dụng trong tài chính, chuỗi cung ứng và quản trị dữ liệu doanh nghiệp.

1Matrix được cho là liên doanh giữa các cá nhân trong gia đình ông Hồ Hùng Anh và một số đối tác, với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái dữ liệu phi tập trung phục vụ doanh nghiệp Việt Nam. Dự án đầu tiên của 1Matrix dự kiến là một nền tảng xác thực giao dịch điện tử dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, logistics và thương mại điện tử. 

Cách đây ít ngày, Techcom Securities thuộc hệ sinh thái của Techcombank cũng đã công bố kế hoạch IPO 231 triệu cổ phiếu nhưng chưa công bố giá bán. Vốn điều lệ TCBS dự kiến tăng lên mức 23.113 tỷ đồng sau đợt chào bán trên - tiếp tục giữ vị trí quán quân vốn điều lệ ngành chứng khoán. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2025 đến quý 1/2026.

6 tháng bận rộn của 5 tỷ phú Việt- Ảnh 5.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Với tài sản dao động quanh ngưỡng 1 tỷ USD, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là người liên tục 'ra - vào' bảng xếp hạng realtimes các tỷ phú của Forbes. Hiện tại, tài sản của ông Quang là 1,1 tỷ USD và giàu thứ 2.850 thế giới.

Cổ phiếu MSN của Masan đã liên tục tăng giá 2 tháng gần đây và là nguyên nhân chính giúp ông Quang trở lại danh sách tỷ phú. Masan hiện đang có trong tay hơn 4.000 cửa hàng WinMart và WinMart+ trên toàn quốc. 

Masan cũng đang triển khai kế hoạch IPO Masan Consumer Holdings trên sàn HOSE, dự kiến thực hiện trong năm 2025. Việc niêm yết công ty sản xuất tiêu dùng này sẽ giúp tập đoàn thu hút thêm nguồn vốn phục vụ mở rộng sản xuất, cải tiến sản phẩm và phát triển kênh phân phối. 

Tại đại hội cổ đông hồi đầu năm, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết Masan đang tìm cách dùng công nghệ để dẫn dắt sự thay đổi nhãn hiệu, tạo ra sự đổi mới để tạo trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng và đưa thương hiệu ra quốc tế.

Masan Group đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong hành trình 5 năm xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp. Bước sang giai đoạn 2, Masan sẽ tập trung củng cố thị phần chi tiêu và mang về lợi nhuận.

"Đây là mảnh ghép còn thiếu để Masan vươn mình từ hình ảnh một tập đoàn truyền thống, xóa bỏ định kiến đa ngành và khẳng định vị thế là một nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp, giống như Walmart, Amazon, Alibaba, Reliance hay Apple", ông Quang nhấn mạnh.

Ông cảnh báo những mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dần biến mất. Chuyển đổi số sẽ là yếu tố định hình lại toàn bộ ngành tiêu dùng - bán lẻ tại Việt Nam: từ hiệu quả sản xuất, tối ưu chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, trải nghiệm người tiêu dùng cho đến hiện đại hóa bán lẻ. Vì vậy, việc tích hợp phần mềm, dữ liệu, Al, tự động hóa và kết nối vào DNA của Masan là điều quan trọng cần phải làm.


Xem thêm tại cafef.vn