Áp lực chốt lời gia tăng trên diện rộng, VN-Index điều chỉnh

Diễn biến điều chỉnh được ghi nhận từ đầu phiên 14/3 khi VN-Index mở cửa lình xình quanh mốc tham chiếu. Chỉ số chung đạt đỉnh cao nhất ngày trong nửa giờ giao dịch đầu tiên với mức tăng xấp xỉ 6 điểm và mất dần động lực lùi về sát tham chiếu.

Cổ phiếu trụ đồng loạt điều chỉnh khiến VN-Index mất đà và giảm điểm.
Cổ phiếu trụ đồng loạt điều chỉnh khiến VN-Index mất đà và giảm điểm.

Nguyên nhân chính đến từ nhóm blue-chips với áp lực chốt lời gia tăng và độ rộng áp đảo ở phía giảm điểm. Mặc dù vậy, thị trường phiên sáng nay vẫn ghi nhận sự tích cực đến từ nhóm cổ phiếu Dầu khí, Chứng khoán và Bất động sản khu công nghiệp với PVT, VIX, IJC tăng trần PVD tăng 6,38%, KBC tăng 4,56%, HDG tăng 2,57%. Nhờ đó, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh khi kết thúc phiên sáng.

Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, cung giá cao tăng lên khiến thị trường dần lùi về dưới tham chiếu. Các mã tăng tốt phiên sáng cũng không còn giữ được động lực tốt và yếu dần. VN-Index đóng cửa tại 1.264,3 điểm, giảm 6,3 điểm (-0,49%). Độ rộng sàn HOSE thu hẹp còn 193 mã tăng và 292 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,05 tỷ đơn vị, giá trị 27.962 tỷ đồng, tăng gần 8% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 36 triệu đơn vị, giá trị 1.171 tỷ đồng.

Thanh khoản bật tăng trong nhịp điều chỉnh cho thấy dòng tiền gom hàng vẫn rất nhanh và mạnh. Do đó, đây chỉ là phiêu điều chỉnh kỹ thuật.

Các mã cổ phiếu nổi bật hôm nay đến nhiều từ họ nhà P (Dầu khí) như PVT tăng trần, PVD (+4,9%), PVS (+2,7%), GAS (+2,5%) và STK (+6,8%), GIL (+4,9%). Ngoài ra, VTP, IJC tăng trần, DHC (+4,3%), FCN (+4,2%), HAX (+3,8%), KBC (+3,2%), DPR (+3%), TV2 (+3%) vẫn hút mạnh dòng tiền.

Chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là các mã MWG (-2,7%), MSN (-2,5%), CTG (-2%), BCM (-1,9%), BID (-1,7%), VCB (-1,04%). Những mã cổ phiếu này lấy đi của chỉ số chung tới hơn 5 điểm.

Xét về nhóm ngành, áp lực chủ yếu đến từ nhóm trụ cột Ngân hàng (-1,34%) cùng nhóm Bán lẻ (-1,75%), Chế biến thủy sản (-1,15%). Dòng tiền tiếp tục hướng đến nhóm vốn hóa vừa và nhỏ với tâm điểm ở nhóm Dầu khí, Khí đốt, Cảng và Vận tải biển, Dệt may. Bên cạnh đó, nhóm Cao su, Bất động sản, Vật liệu xây dựng cùng nhiều mã đơn lẻ vẫn hút mạnh dòng tiền.

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng, đẩy giá trị bán ròng lên 911 tỷ đồng, trong đó, bán ròng nhiều nhất tại VHM (-166 tỷ đồng), VNM (-141 tỷ đồng), FRT (-104 tỷ đồng). Ngược lại, SSI (+130 tỷ đồng), PVD (+71 tỷ đồng), KDH (+50 tỷ đồng) ghi nhận giá trị mua ròng cao nhất.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn