Áp lực tỷ giá sẽ giảm dần

Giao-dich-ngan-hang- tien-dollar-08

Áp lực tỷ giá sẽ giảm dần. Ảnh: Trọng Hiếu

Sức ép lớn từ tỷ giá

Ngày 20/4, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tiếp tục tăng lên mức 24.260 VND/USD, tăng 29 đồng so với phiên ngày hôm qua. Từ đầu năm đến nay tỷ giá chính thức đã tăng gần 5%.

Tỷ giá USD ngày 20/4 tại Vietcombank cũng tăng tương ứng lên mức 25.133 - 25.473 VND/USD (mua - bán), đã tăng 4,3% so với đầu năm. Trên thị trường tự do, giá USD (mua vào - bán ra) trong phiên thứ 7 tiếp tục tăng lên 25.680 - 25.780 đồng/ USD. 

Trên thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt giảm nhẹ chốt phiên thứ 6, xuống mốc 106,12, vẫn ở mức đỉnh 5 tháng. USD leo cao sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu cho biết có thể phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn khi lạm phát tại Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ đầu năm đến nay, chỉ số DXY đã tăng khoảng 4,7%.

Tỷ giá thế giới và trong nước diễn biến cùng chiều, đều tăng mạnh ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các dòng vốn, cũng như giá của các loại tài sản khác trên thị trường.

Thống kê cho thấy, mỗi khi tỷ giá tăng vượt quá 2% thì thị trường chứng khoán thường xảy ra nhịp điều chỉnh. Khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tâm lý thị trường thận trọng, thị trường chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn.

Theo Công ty chứng khoán BSC, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 11.550 tỷ đồng trên cả 3 sàn, tương đương 50,62% tổng giá trị bán ròng của cả năm 2023. Áp lực bán ròng đến từ các quỹ chủ động và cả các quỹ ETF đã khiến trạng thái rút ròng tiếp tục hiện hữu và gây áp lực nhất định lên thị trường.

Diễn biến cùng chiều với giá USD là giá vàng, ngày 15/4, giá vàng miếng SJC trong nước tiếp tục lập đỉnh mới, giao dịch quanh mức 85,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng khoảng 15% so với đầu năm. Giá vàng tăng nóng khiến NHNN phải mở lại kênh đấu thầu vàng miếng (dự kiến diễn ra vào ngày 22/4) sau 11 năm tạm dừng nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường. Ngay sau khi thông điệp của cơ quan quản lý phát đi, giá vàng miếng đã hạ nhiệt. Hiện niêm yết ở mức 81,8 - 83,8 triệu đồng/lượng, giảm 2% so với đỉnh.

Tỷ giá tăng mạnh khiến NHNN buộc phải sử dụng kênh bán dự trữ ngoại hối. Theo đó, ngày 19/4, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, NHNN đã công bố công khai phương án can thiệp ngoại tệ thông qua bán ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để cân bằng ngoại tệ về bằng 0. 

Trước đó, để giảm áp lực lên tỷ giá, NHNN đã tăng cường sử dụng kênh phát hành tín phiếu, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Theo dữ liệu từ NHNN, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 15/4 đã tăng lên 4,7%/năm – mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 5/2023.

Lãi suất liên ngân tăng đã có sự lan toả xuống thị trường 1, lãi suất tiết kiệm bắt đầu nhích tăng 0,1% - 0,5% từ mức "thấp nhất 20 năm".

Phân tích về nguyên nhân tăng của tỷ giá thời gian gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nhiều hoạt động giao dịch vốn với quốc tế. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa đưa ra được thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc hạ lãi suất khiến giá trị đồng USD trong thời gian qua tăng rất cao. Đồng USD tăng giá sẽ tác động đến giảm giá đồng tiền của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, từ đó tác động đến đồng tiền của Việt Nam trong quan hệ tỷ giá với USD.

"Ngoài ra, chính sách hạ lãi suất của Việt Nam có thể nói là rất mạnh trong thời gian vừa qua, đã tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất đồng USD trên thị trường. Chính điều đó cũng là một trong những áp lực làm đồng USD "nóng" lên", Phó Thống đốc lý giải.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu tương đối lớn, vì thế nhu cầu ngoại tệ cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Ông Phạm Chí Quang cho biết, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, sắt thép, tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ. Doanh nghiệp để đảm bảo phòng ngừa rủi ro tỷ giá đã tăng mua ngoại tệ kỳ hạn khiến cầu ngoại tệ tương lai chuyển về hiện tại. 

Empty

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: Trọng Hiếu

Áp lực giảm dần

Trước tình hình diễn biến tỷ giá đang nóng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất giảm, khiến chênh lệch lãi suất VND-USD duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, tỷ giá dù còn chịu áp lực lớn trước khi FED quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2024, với mức tăng khoảng 2,5-3% trong năm 2024.

"Áp lực tỷ giá sẽ giảm dần vì USD đã tăng khá mạnh thời gian qua (khoảng 4,9% từ đầu năm đến nay) và ngày càng rõ hơn thời điểm giảm lãi suất của FED. Ngoài ra, thị trường vàng bình ổn hơn cũng sẽ góp phần bình ổn tỷ giá", ông Lực đưa dự báo.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng kỳ vọng, chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân. Thanh khoản thị trường được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực.

Dự báo về xu hướng thời gian tới, theo BSC, áp lực tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa khi NHNN phát đi tín hiệu sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường nếu cần thiết. Bên cạnh việc sớm xem xét sửa đổi Thông tư 02 ổn định thị trường tiền tệ và sửa Nghị định 24 nhằm tránh vàng hóa nền kinh tế qua đó giảm áp lực cho thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, một số thương vụ bán vốn ngoại tại các doanh nghiệp niêm yết từ quý II trở đi có thể sẽ giảm bớt áp lực về cung cầu ngoại tệ cũng như áp lực bán ròng từ khối ngoại.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn lại 2 năm 2022 và 2023, có 3 bước để NHNN kiểm soát tỷ giá. Bước 1 là hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác. Bước 2 là bán dự trữ ngoại hối. Bước 3 là tăng lãi suất điều hành.

Năm 2023 chúng ta chưa phải tăng lãi suất điều hành vì nguồn cung từ thặng dư thương mại tốt. Hiện nay, NHNN đã thực hiện bước 1, nhưng tỷ giá sau hơn 5 tuần chưa có dấu hiệu dịu bớt. Bước tiếp theo là bán dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Nếu bước 2 cũng không thể hiện rõ hiệu quả, NHNN có thể phải sử dụng đến bước 3.

Xét trong điều kiện kinh tế Việt Nam, tăng trưởng đến từ nhiều yếu tố. Yếu tố hàng đầu là xuất khẩu của khối FDI (mà khối này gần như miễn nhiễm với xu hướng lãi suất VND), tiếp theo là giải ngân đầu tư công (hiện đang có tiến độ tốt) và xúc tiến thương mại (ví dụ du lịch quốc tế khả quan nhờ chính sách visa mới).

"Tăng trưởng kinh tế quan trọng và cũng cần cân đối với ổn định vĩ mô. Lãi suất thấp cũng có những mặt trái, đó là tỷ giá, lạm phát và bong bóng tài sản. Giải pháp cần có hiện nay là hài hòa tổng thể các yếu tố, ổn định là một phần của tăng trưởng" ông Linh chia sẻ quan điểm.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại buổi họp báo ngành ngân hàng quý I, ngày 19/4 khẳng định, NHNN luôn bật chế độ sẵn sàng can thiệp tỷ giá USD khi có biến động mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Với dự trữ ngoại hối hiện nay và nguồn lực được bổ sung từ năm 2023, NHNN đảm bảo vai trò quản lý nhà nước với tỷ giá, giữ vững mục tiêu ổn định tỷ giá thời gian tới.

Xem thêm tại nhadautu.vn