Bán ròng 1,5 tỷ USD từ đầu năm, khối ngoại sẽ quay lại mua khi triển vọng nâng hạng tới gần?
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong 6 tháng năm 2025, khối ngoại bán ròng tổng cộng 39,8 nghìn tỷ đồng (1,5 tỷ USD), giảm so với mức 45,5 nghìn tỷ đồng (1,7 tỷ USD) cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn. VND mất giá 2,1% so với đầu năm trong 6 tháng 2025 so với -5% trong 6 tháng năm 2024.
Đáng chú ý, áp lực bán ròng đã giảm đáng kể trong quý 2/2025, với giá trị bán ròng chỉ còn 13,9 nghìn tỷ đồng (528,2 triệu USD), so với 25,9 nghìn tỷ đồng (984,2 triệu USD) trong quý 1/2025.
Đáng chú ý, khối ngoại đã quay lại mua ròng trong tháng 5/2025, nhờ vào sự phục hồi tâm lý đối với triển vọng thương mại toàn cầu, các nỗ lực thúc đẩy đàm phán thương mại song phương Việt-Mỹ, cùng môi trường vĩ mô tích cực được củng cố bởi các chính sách điều hành quyết liệt, đặc biệt là Nghị quyết 68/NQ-TW về thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng tăng lên 11,9% tổng thanh khoản thị trường trong 6 tháng 2025, từ mức 9,5% cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về xu hướng bán ròng của khối ngoại, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng con số bán ròng của khối ngoại có phần ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô, đặc biệt câu chuyện chiến tranh thương mại.
Sau thời điểm tháng 4, khi ông Donald Trump công bố mức thuế rất cao lên Việt Nam, thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng. Giai đoạn tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã bán rất mạnh tại các thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tính chung trong nửa đầu năm 2025, quy mô bán ròng của khối ngoại tương đối cao, nhưng không cao bằng giai đoạn năm 2024.
Trong 10 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều vào năm 2017 – 2018 khi có nhiều thương vụ thoái vốn doanh nghiệp lớn, IPO, niêm yết. Kết hợp với kỳ vọng nâng hạng nên nhà đầu tư nước ngoài từng có giai đoạn giải ngân mạnh mẽ, lên tới trên 2 tỷ USD.
Nhưng sau đó, Việt Nam rơi vào giai đoạn điều chỉnh do đại dịch COVID. Năm 2020 - 2021, kỳ vọng nâng hạng không đạt được, nên nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn. Tuy vậy, thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng đi lên rất mạnh mẽ, trở thành một trong những giai đoạn tăng mạnh nhất lịch sử. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mẽ, nhưng với nền lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng cao thì thị trường chứng khoán gần như không có sự phản ứng rõ rệt.
Vào năm 2024, nhà đầu tư rút khoảng 3 tỷ USD do yếu tố biến động tỷ giá do đồng USD tăng mạnh nhưng thị trường chỉ bị rung lắc, điều chỉnh. Sau các nhịp điều chỉnh lại, chỉ số lại tiếp tục đi lên.
Đến đầu năm 2025, câu chuyện liên quan đến thuế quan đối ứng lại tạo áp lực rút vốn ngoại. Sau giai đoạn bán ròng mạnh của tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu hạn chế bán ra. Đến tháng 5 – 6, nhà đầu tư nước ngoài thậm chí còn mua trở lại. Trạng thái bán ròng lớn nhất trong năm 2025 đã qua đi, ảnh hưởng tới thị trường vào tháng 4 rất rõ nét, nhưng cũng đã không còn.
"Từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, tôi rất kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm có động thái trở lại, đặc biệt khi hoạt động nâng hạng thị trường của Việt Nam được Chính phủ chỉ đạo rất gắt gao. Những yếu tố này sẽ mang tính chất thúc đẩy, thu hút dòng vốn ngoại trở lại. Hai năm vừa qua, khối ngoại bán rất mạnh nhưng thị trường không giảm, một khi nhà đầu tư nước ngoài giải ngân, thị trường sẽ tăng rất tốt", ông Sơn kỳ vọng.
Trong cập nhật triển vọng nâng hạng mới đây, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng FTSE công bố nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ review tháng 9. Hưởng lợi là ngành chứng khoán và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong FTSE Vietnam Index như HPG, VIC, VCB, VNM, MSN, SSI,...
Trong báo cáo đánh giá nâng hạng định kỳ tháng 3/2025 của FTSE, mặc dù FTSE đánh giá 2 tiêu chí liên quan đến “chu kỳ thanh toán (DvP)” và “thanh toán chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” là vẫn bị hạn chế và chưa đạt. Tuy nhiên FTSE đã ghi nhận sự tiến bộ của Việt Nam trong việc triển khai mô hình không yêu cầu ký quỹ trước (Pre-Funding).
Với cam kết mạnh mẽ trong việc đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán và xây dựng một thị trường vốn phát triển bền vững, VnDirect cũng kỳ vọng các tiêu chí nâng hạng còn lại của MSCI sẽ được đáp ứng vào năm 2026, và thị trường Việt Nam sẽ chính thức được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 6/2027.
Xem thêm tại vneconomy.vn