Bắt tay Vingroup làm cầu Tứ Liên, đại gia Trung Quốc nhắm tiếp tuyến metro 65.000 tỷ với Vinaconex

Bắt tay Vingroup làm cầu Tứ Liên, đại gia Trung Quốc nhắm tiếp tuyến metro 65.000 tỷ với Vinaconex
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sáng 19/5 tại Hà Nội, lễ khởi công dự án xây dựng cầu Tứ Liên chính thức diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn Thủ đô với tổng mức đầu tư khoảng 19.830 tỷ đồng.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), điểm cuối nối với đường Trường Sa (huyện Đông Anh). Cầu chính được thiết kế theo kết cấu dây văng, mặt cầu rộng 43m, nhịp chính dài 500m, trụ tháp cao 185m, sử dụng kết cấu đúc hẫng kết hợp thép. Đường dẫn phía Tây rộng 48m, phía Đông rộng 60m, kèm theo hai nút giao lớn, một hầm chui và hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh...

Dự án đặt mục tiêu hoàn thành trong 24 tháng, dự kiến về đích vào năm 2027.

Liên quan đến công tác triển khai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu EPC 09/TP2, với giá trị hợp đồng 10.790 tỷ đồng. Gói thầu bao gồm thiết kế, cung cấp vật tư, thi công xây lắp, khảo sát và ứng dụng công nghệ mô hình thông tin công trình (BIM).

Liên danh trúng thầu gồm Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG – Trung Quốc), Viện Thiết kế Cầu Lớn Trung Quốc (thuộc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc), CTCP Phát triển và Đầu tư xây dựng Vincons (công ty thành viên Vingroup – VIC), cùng với các doanh nghiệp trong nước là Phương Thành, Trung Chính và Hưng Phú. Đáng chú ý, đây là liên danh duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.

Việc Tập đoàn Vingroup và hai doanh nghiệp lớn Trung Quốc cùng tham gia một trong những dự án hạ tầng quy mô lớn nhất Hà Nội đã thu hút sự quan tâm lớn từ thị trường.

Trong số đó, CPCG – China Pacific Construction Group là cái tên đáng chú ý. Được thành lập năm 1995, đây là doanh nghiệp tư nhân lớn hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư – xây dựng hạ tầng. Năm 2023, CPCG đạt doanh thu gần 80 tỷ USD, xếp thứ 96 trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 và thứ 19 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc.

Tập đoàn hiện vận hành khoảng 3.000 dự án khu công nghiệp và đô thị, sở hữu hơn 100 công ty đầu tư ra nước ngoài, hoạt động tại nhiều quốc gia như Ukraine, Malaysia, Iran... Với năng lực thi công và tài chính vững mạnh, sự tham gia của CPCG được kỳ vọng mang lại động lực mới cho các dự án hạ tầng chiến lược tại Việt Nam.

Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố Hà Nội giữa với sự tham gia của Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương. (Ảnh: UBND TP Hà nội)
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội có sự tham gia của CPCG (Nguồn ảnh: UBND TP. Hà Nội)

Năm 2024, CPCG đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hà Nội cùng Vinaconex (Mã VCG) về các dự án lớn như cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5, với tổng vốn dự kiến khoảng 85.000 tỷ đồng. Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc) đang được chuẩn bị đầu tư thi công với vốn dự kiến hơn 65.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2025, CPCG tiếp tục làm việc với nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh và TP. HCM, đề xuất đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, logistics, khu đô thị, khu công nghiệp và cửa khẩu thông minh.

Tập đoàn cũng bày tỏ mong muốn đặt trụ sở tại Bắc Ninh, coi đây là điểm trung tâm để điều phối hoạt động tại Việt Nam trong dài hạn.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn