Biến động khoản nợ của Novaland, Trung Nam tại MB ra sao?

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB) cập nhật thông tin mới nhất về dư nợ của Novaland và Tập đoàn Trung Nam tại MB: Năm ngoái, MB đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng và hiện nay dư nợ không còn nhiều. "MB cho vay dựa trên các khoản dự án cụ thể, các khoản vay không đáng lo ngại do MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ”, ông Ánh nói.

Về các dự án ở Novaland đang được giải quyết, tháo gỡ, dự kiến trong quý II này. “Doanh nghiệp đã tích cực giải quyết các thủ tục từ hai dự án quan trọng là Aqua City và Novaworld. Ở hai dự án này, vấn đề quan trọng nhất là tiến trình pháp lý đang diễn ra khá đúng với tiến độ mà Chính phủ đã hỗ trợ và thông báo. Khả năng phục hồi của các dự án tương đối khả quan”, lãnh đạo MB cho hay.

-8199-1713511426.jpg

Năm nay MB dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 – 8%.

Hiện dư nợ của Novaland tại MB “còn không nhiều” sau khi đã thu hồi nợ trong năm 2023. Ông Ánh không nói con số cụ thể do yêu cầu bảo mật với khách hàng.

Với nhóm Trung Nam, MB có cho vay 3 dự án điện mặt trời và cả 3 dự án này đều nằm trong FiT (biểu giá điện hỗ trợ) 1 và FiT 2 và đã phát điện theo kế hoạch. Nói chung dự án của Trung Nam đúng là dòng tiền về chậm trong 3 tháng qua, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của khách hàng và MB. Đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại.

Cũng tại Đại hội, lãnh đạo MB đã hé lộ tiến trình tiếp nhận một ngân hàng yếu kém.

Ông Ánh thông tin, ngân hàng kỳ vọng năm 2024 hoặc 2025 sẽ thực hiện xong việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, mở ra giai đoạn tiếp theo trong 5 năm tới của ngân hàng. “Hiện, mọi thủ tục đã được trình và chỉ còn chờ Chính phủ đồng ý", đại diện MB cho hay.

Tuy nhiên, ông Ánh cho biết sau khi nhận về, ngân hàng này vẫn là ngân hàng độc lập và tiếp tục được thực hiện tái cơ cấu. Sau khi tái cơ cấu thành công mới tính đến việc sáp nhập vào MB hay không.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2024 cũng như chiến lược phát triển của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo MB cho hay ban lãnh đạo MB dự kiến trình kế hoạch lợi nhuận tương đối khiêm tốn so với mức tăng trưởng 16% của năm 2023.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 – 8%. Với mức đạt được trong năm 2023 là 26.306 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết sở dĩ năm nay mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của MB khiếm tốn do ngân hàng đặt ra phương án an toàn.

Ông phân tích, năm 2023, NIM toàn ngành giảm sẽ tác động đến năm 2024 như thế nào, dự kiến tỷ lệ NIM giảm và tăng trưởng tín dụng thấp. “Thông thường quý I tăng trưởng tín dụng 4-5%, nhưng năm nay không tăng, đến thời điểm này chỉ tăng khoảng 0,23%. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành năm 2023 tăng mạnh, do đó áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên. Do đó, năm nay, chúng ta bình tĩnh và chuẩn bị các điều kiện để bền vững hơn trong giai đoạn tới”, ông Thái nói.

Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big4.

Tín dụng được dự báo tăng trưởng 15 - 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn.

Tỷ lệ trả cổ tức trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15 - 20%/năm. “Hiếm có ngân hàng nào duy trì tỷ lệ trả cổ tức đều đặn trong 5 năm liên tiếp như MB. Nếu tính toán theo dòng tiền thì cổ tức của MB luôn ở mức trên 20%. Năm nay, chúng tôi trình cổ đông trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu”, ông Lưu Trung Thái nói.

Trong quý I/2024, MB dự kiến doanh thu tập đoàn đạt khoảng 12.000 tỷ, lợi nhuận gần 5.800 tỷ đồng. Doanh thu Ngân hàng mẹ đạt hơn 9.700 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 5.200 tỷ đồng.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn