Chân dung ông chủ hệ sinh thái Tân Long Group - đối thủ “nặng ký” của bầu Đức

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã có thông báo quyết định chấp nhận niêm yết 25 triệu cổ phiếu SBG của CTCP Tập đoàn cơ khí công nghệ cao Siba (Siba Group, mã SBG). Đây là thành viên thứ 2 của hệ sinh thái Tân Long Group niêm yết sàn HoSE.

Ông chủ Hệ sinh thái Tân Long Group là ai?

Ông Trương Sỹ Bá sinh năm 1967, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long. Đồng thời, ông cũng là Chủ tịch HĐQT của Siba Holdings và Nông nghiệp BaF. Ông từng có nhiều năm công tác tại CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh (mã KLM). Đến năm 1994, ông chuyển sang kinh doanh tự do.

Chân dung ông chủ hệ sinh thái Tân Long Group - đối thủ “nặng ký” của bầu Đức
Ông Trương Sỹ Bá

Năm 2000, ông Bá mở một công ty kinh doanh hóa chất. Năm 2007, trong một lần đi giao hóa chất tẩy rửa cho một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông chợt nhận ra chiếc xe của mình lọt thỏm giữa những dãy dài xe tải chở ngô giao cho nhà máy.

“Tôi vốn nghĩ loại hóa chất mình đang kinh doanh lúc đó là một loại hàng hóa có nhu cầu cao, nhưng nhìn cảnh nhà máy thu mua nông sản hôm ấy, tôi nhận ra nông sản mới là mặt hàng mà thị trường có nhu cầu lớn”, ông Bá kể.

Ngay sau đó, ông quyết định chuyển hướng kinh doanh, rồi dần trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, gạo, điều, thịt lợn... Tân Long ra đời từ đó.

“Ngành lương thực thực phẩm như gạo là mặt hàng thiết yếu, triển vọng phát triển rất lớn. Nhưng ngành này không dễ làm bởi nếu đi đường trường và hướng đến phát triển bền vững với tầm nhìn lâu dài thì phải đầu tư cho toàn chuỗi, phải hình thành nên mối liên kết sản xuất - tiêu thụ, từ bao tiêu vùng nguyên liệu đến cả xây dựng kênh bán hàng. Ngoài các nguồn lực còn phải có tâm huyết rất lớn, rất bền bỉ để tạo nên sản phẩm thực sự chất lượng cho người tiêu dùng và đảm bảo lợi ích cho nông dân”, ông Bá cho hay.

Hệ sinh thái nông nghiệp của Tân Long Group “đồ sộ” thế nào?

CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) từng được biết đến với cái tên CTCP Hóa Chất Công Nghiệp Tân Long có tiền thân là Công ty TNHH Tân Long Vân được thành lập vào năm 2000. Với nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, năm 2006, Tân Long Vân chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP.

Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Tập đoàn Tân Long bao gồm: Tân Long Grain (Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi), Tân Long Rice (Chế biến - Xuất khẩu gạo), Tân Long Farm (Feed - Farm - Food), Tân Long Mineral (Khoáng sản), Tân Long Cashew (Chế biến - Xuất khẩu điều). Trong đó lĩnh vực cốt lõi vẫn là cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp xuất khẩu lớn trên thị trường với các sản phẩm như gạo, điều thô.

15.jpg

Năm 2016, Tập đoàn Tân Long mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Campuchia. Năm 2017 Tân Long tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Singapore và Myanmar. Tới năm 2019 Tân Long tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Ai Cập, Philippines, Guinea Bissau, Cote D'ivoire và Tazania.

Về tình hình vốn điều lệ, vào tháng 5/2018, tập đoàn này tăng vốn từ 750 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Ít tháng sau đó, Tân Long Group tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ lên 2.200 tỷ đồng và vẫn giữ nguyên cho đến nay.

Về tình hình kinh doanh, Tân Long Group ghi nhận lỗ lên đến 626 tỷ đồng trong năm 2019. Sang đến năm 2020, doanh thu đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng và lãi về tay là 51 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất có lẽ là thành viên thứ nhất của hệ sinh thái Tân Long đã niêm yết trên sàn chứng khoán – Nông nghiệp BaF (mã BAF). Tân Long đã thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam năm 2017 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty liên tục thực hiện tăng vốn, vốn điều lệ thời điểm hiện tại đã 1.435 tỷ đồng, gấp 48 lần so với thời điểm thành lập và chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 3/12/2021.

BaF phát triển mô hình chăn nuôi lợn khép kín 3F (Feed - Farm - Food). Tính đến thời điểm hiện tại, BaF đã sở hữu hệ thống 28 trại (19 trại đã vận hành và 9 trại đang phát triển) nuôi heo nái và heo thịt trải dài trên khắp cả nước. Tổng đàn lên trên 230.000 con, cung ứng hơn 550.000 heo thương phẩm mỗi năm.

9 tháng đầu năm 2023, BAF ghi nhận doanh thu 3.631 tỷ đồng và lãi sau thuế tỷ đồng. Tổng tài sản tính tới 30/9/2023 đạt hơn 6.729 tỷ đồng.

Hiện tại, sản phẩm thịt lợn BaF Meat của Công ty đang được phân phối qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và điểm bán BaF Meat Shop.

Một thành viên khác của Tân Long Group là CTCP Siba Holdings, doanh nghiệp hiện là cổ đông lớn của BAF khi nắm giữ hơn 58 triệu cổ phiếu tương đương 40,5% cổ phần của công ty nuôi heo này. Siba Food của doanh nghiệp này đang phát triển mạng lưới hơn 300 điểm bán gồm 60 siêu thị, 250 Meat Shop, đánh dấu sự có mặt tại các tỉnh, thành phố lớn.

Tập đoàn Tân Long còn "nổi danh" khi là nhà tài trợ cho đội tuyển bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA). Theo đó, kể từ ngày 1/6/2021, Tập đoàn Tân Long đã chính thức tiếp nhận CLB bóng đá SLNA.

Tập đoàn Tân Long sẽ giữ lại tên Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, đồng thời chính thức giới thiệu bộ máy ban lãnh đạo và điều hành mới với Chủ tịch Câu lạc bộ là ông Trương Sỹ Bá. Còn con trai ông, ông Trương Mạnh Linh giữ vị trí Giám đốc Điều hành.

>> Từng đưa bầu Đức lên ngôi NO.1 người giàu trên sàn chứng khoán, HAGL hiện đang ra sao?

Xem thêm tại nguoiquansat.vn