Chiến lược tự doanh tránh bão của công ty chứng khoán

Thị trường giông bão trong quý 2 khiến mảng tự doanh của khối công ty chứng khoán (CTCK) điêu đứng. Tuy vậy, vẫn có những công ty thu lãi tự doanh dù thị trường chìm trong sắc đỏ. Chiến lược nào đã giúp các CTCK đó làm được như vậy?

Chiến lược tự doanh tránh bão của công ty chứng khoán

Thị trường giông bão trong quý 2 khiến mảng tự doanh của khối công ty chứng khoán (CTCK) điêu đứng. Tuy vậy, vẫn có những công ty thu lãi tự doanh dù thị trường chìm trong sắc đỏ. Chiến lược nào đã giúp các CTCK đó làm được như vậy?

Tự doanh CTCK khó khăn trong quý 2

Quý 2/2022, thị trường chứng khoán chứng kiến đà sụt giảm mạnh, VN-Index mất 7.3%, giảm về 1,197.6 điểm. Nếu so với đầu năm, chỉ số mất tới 20%. Kết quả tự doanh của nhóm CTCK cho thấy sự tương quan mạnh mẽ với thị trường. Theo dữ liệu của VietstockFinance, 69 CTCK ghi lỗ tự doanh tổng cộng hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Tương quan lãi tự doanh của CTCK và VN-Index
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Thống kê cho thấy, 43/69 công ty ghi lỗ tự doanh trong quý 2. Trong đó, có công ty báo lỗ tự doanh hàng trăm tỷ đồng như Chứng khoán APEC (APS), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán Rồng Việt (VDS)… Trong quý, có 9 CTCK lỗ tự doanh trên 100 tỷ đồng.

Trong số 26 CTCK có lãi tự doanh thì có tới 11 công ty ghi lãi giảm so với quý liền trước.

Tự doanh kém là nguyên nhân chính kéo lùi kết quả hoạt động của nhiều CTCK. Theo đó, Chứng khoán APEC, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán Rồng Việt (VDS)… đều lỗ đậm trong quý 2 vừa qua.

Top 20 CTCK lỗ tự doanh đậm nhất quý 2/2022 (Đvt: Tỷ đồng)
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trái phiếu - “hầm” tránh bão

Trong bức tranh chung ảm đạm, nhiều CTCK vẫn trụ vững ở mảng tự doanh. Phần nhiều trong số đó là các công ty lớn.

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ghi lãi tự doanh chứng khoán gần 315 tỷ đồng, tăng 90% so với quý trước. Chứng khoán VNDirect (VND) ghi lãi hơn 188 tỷ đồng, giảm 54%.

Một loạt CTCK có lãi tự doanh từ 100-150 tỷ đồng gồm Chứng khoán Everest (EVS), Chứng khoán TP.HCM (HCM), Chứng khoán SSI, Chứng khoán HD (HDBS), Chứng khoán Smart Invest.

Top 15 CTCK có lãi tự doanh lớn nhất quý 2 (Đvt: Tỷ đồng)
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Nếu đi sâu vào hoạt động của nhóm CTCK ghi lãi tự doanh, dễ thấy điểm chung đều quy về mảng trái phiếu.

Dẫn đầu về lợi nhuận tự doanh, TCBS tiếp tục theo sát chiến lược liên quan tới trái phiếu. Trong nửa đầu năm, Công ty ghi lợi nhuận hơn 392 tỷ đồng từ hoạt động bán trái phiếu. Song song đó, khối tự doanh cũng ghi lãi 84.5 tỷ đồng bán cổ phiếu chưa niêm yết.

Lãi/Lỗ bán tài sản tài chính của TCBS nửa đầu năm 2022
Đvt: Đồng
Nguồn: BCTC của TCBS

Tới cuối quý 2, danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của TCBS chủ yếu nằm ở trái phiếu doanh nghiệp. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 4.9 ngàn tỷ đồng, chiếm 77% tổng giá danh mục.

Tại VND, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán cũng tác động không ít tới mảng tự doanh của Công ty. Lỗ từ tài sản tài chính FVTPL quý 2 lên tới gần 850 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Trong đó, Công ty cắt lỗ hơn 315 tỷ đồng và ghi chênh lệch giảm gần 509 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lãi từ tài sản FVTPL quý 2 của VND đạt tới 1.4 ngàn tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, tự doanh của Công ty vẫn báo lãi.

Danh mục tài sản tài chính FVTPL của VND
Nguồn: BCTC của VND

Tương tự TCBS, VND cũng ghi lãi lớn từ bán trái phiếu, đạt hơn 411.5 tỷ đồng, chiếm 94.5% lợi nhuận bán tài sản tài chính trong nửa đầu năm.

Nửa đầu năm 2022, giá trị tài sản FVTPL của Công ty tăng gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp gấp 4 lần đầu năm, đạt gần 6.9 ngàn tỷ đồng. Ngược lại, danh mục cổ phiếu giảm nhẹ về còn 997 tỷ đồng.

Có thể thấy, trái phiếu đã trở thành hầm trú ẩn hiệu quả của nhiều CTCK trong giai đoạn thị trường cổ phiếu sụt giảm mạnh.

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) ghi lãi gần 48 tỷ đồng từ bán trái phiếu doanh nghiệp, nắm lượng trái phiếu lên tới gần 1.9 ngàn tỷ đồng, chiếm 88% giá trị danh mục tài sản FVTPL.

Đối với Chứng khoán Smart Invest (AAS), hoạt động bán trái phiếu không đem lại lợi nhuận cho Công ty mà lỗ tới hơn 52 tỷ đồng. Bù lại, Công ty nhận tới gần 177.5 tỷ đồng tiền cổ tức, tiền lãi từ tài sản tài chính và nhờ đó đã báo lãi tự doanh quý 2.

Cuối quý 2, tự doanh của Smart Invest nắm giữ toàn bộ là trái phiếu với giá trị hơn 791.6 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.

Chứng khoán Bản Việt (VCI) cũng gia tăng mạnh tỷ trọng trái phiếu trong danh mục. Giá trị trái phiếu VCI nắm giữ cuối quý 2 gấp 56 lần đầu năm, đạt hơn 795 tỷ đồng. Trong khi đó, danh mục cổ phiếu thu hẹp 70% về còn 259.3 tỷ đồng.

Ở trường hợp của SSI, hoạt động kinh doanh cổ phiếu của Công ty chịu lỗ 95.4 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận 104 tỷ đồng từ bán trái phiếu, chứng khoán chưa niêm yết và lợi nhuận 19.5 tỷ đồng từ phái sinh đã gỡ gạc phần nào cho Công ty.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường kém triển vọng, SSI đã giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu và tăng giá trị chứng chỉ tiền gửi gần gấp đôi so với đầu năm, lên gần 12.5 ngàn tỷ đồng.

Song song đó, vẫn có những trường hợp không phụ thuộc nhiều vào trái phiếu.

Tự doanh EVS thắng lớn trong quý 2 nhờ nắm cổ phiếu NVB. Với giá trị đánh giá lại tăng hơn 192 tỷ đồng, khoản đầu tư này đóng góp đáng kể cho kết quả lãi tự doanh của EVS. Trong danh mục tự doanh của CTCK này, NVB là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất (chiếm 44%). ACB xếp thứ hai với tỷ trọng 35%.

Ngoài ra, EVS cũng lãi hơn 32 tỷ đồng nhờ bán cổ phiếu niêm yết và trái phiếu niêm yết.

HCM có chiến lược tách biệt hơn. Theo kế hoạch năm 2022, mô hình hoạt động tự doanh của HCM chủ yếu tập trung vào các hoạt động tạo lập thị trường, phòng ngừa rủi ro và gia tăng phát hành chứng quyền có đảm bảo. Quý 2, HCM lãi gần 17 tỷ đồng từ chốt lời và cắt lỗ tài sản tài chính. Công ty cũng thu về 75 tỷ đồng từ cổ tức, lãi phát sinh từ tài sản tài chính. Ngoài ra, ghi đánh giá tăng danh mục 25.5 tỷ đồng.

So với đầu năm, danh mục tài sản tài chính của HSC giảm hơn 21%, về còn 1.85 ngàn tỷ đồng, chủ yếu do giảm tỷ trọng cổ phiếu và cổ phiếu làm tài sản cơ sở cho phát hành chứng quyền có đảm bảo.

Chí Kiên

FILI