Chính sách thương mại vào Mỹ dự đoán "khắt khe" hơn, doanh nghiệp cần làm gì?
Cơ hội gia tăng xuất khẩu
Về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, kinh tế toàn cầu phục hồi, mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo thêm cơ hội để gia tăng xuất khẩu, gắn với đà phục hồi của chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó là thách thức khi quá trình chuyển đổi xanh còn tương đối chậm, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của doanh nghiệp với các quy định về phát triển bền vững ở một số thị trường xuất khẩu chính. Cùng với đó là rủi ro hiện hữu từ các xung đột địa chính trị (Nga – Ukraine, Trung Đông…), cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xu hướng gia tăng các quy định phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu…
Nhưng theo các chuyên gia, bước sang năm 2025, chính sách thương mại của nền kinh tế số 1 thế giới- Hoa Kỳ, được dự báo sẽ có những điều chỉnh khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào tháng 1/2025. Với các doanh nghiệp Việt Nam, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn.
Trong nhiệm kỳ trước đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ đã vươn lên mạnh mẽ nhờ chính sách giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã đủ đến giữa năm 2025, trong đó thị trường Mỹ, nơi đóng góp hơn 55% tổng kim ngạch của ngành gỗ đang phục hồi rõ rệt. Vì thế, ông Phương kỳ vọng, với chính sách áp thuế cao hàng hóa từ Trung Quốc của tân Tổng thống Mỹ thì xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào thị trường này có thể còn tăng lên.
Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, các ngành dệt may, thuỷ sản (cá tra), cảng và vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ…
Còn theo TS. Haji Suleman Ali, Giảng viên khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Mỹ và quốc tế sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, qua đó các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể mở rộng quy mô hoạt động, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và giày dép…
Đối mặt rủi ro và chính sách nhiều bất ngờ
Kinh nghiệm từ 4 năm trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đây của ông Donald Trump cho thấy, với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, việc bảo hộ thương mại và ưu tiên sản xuất nội địa cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ được thực hiện rất quyết liệt. Các chính sách về thuế hay thương mại có những thay đổi đột ngột và theo hướng khắt khe hơn.
Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ trước, Việt Nam đã bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Mặc dù trong công bố mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định "không thao túng tiền tệ" nhưng vẫn nằm trong số 7 nền kinh tế trong "danh sách giám sát" khi có 2 tiêu chí vượt ngưỡng gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Trên thực tế, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã và đang mở rộng đáng kể. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam và Mỹ tới cuối tháng 10/2024 là 86,45 tỷ USD. Mỹ tiếp tục dẫn đầu các thị trường xuất khẩu tại Việt Nam, chiếm hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Về vấn đề này, TS. Haji Suleman Ali nhấn mạnh, việc gia tăng phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể khiến doanh nghiệp chịu rủi ro liên quan đến những thay đổi chính sách đột ngột hoặc thay đổi thuế quan. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với việc các đối tác thương mại khác áp thuế quan trả đũa nếu như căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.
Cùng với đó, chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump luôn có những yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hoá. Phát biểu tại toạ đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với các doanh nghiệp, hiệp hội vào đầu tháng 11/2024 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền – đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, New York (Mỹ) cho biết, chắc chắn các chính sách về đối nội và đối ngoại của chính quyền Mỹ sẽ có sự thay đổi. Trong đó, Mỹ có thể tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại.
Vì thế, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để ứng phó khi chính quyền Mỹ có thể áp thuế cao hơn, hoặc có các biện pháp mạnh hơn để yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam là nơi trung chuyển, gia công hàng hóa để xuất khẩu nên càng cần quan tâm về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ cũng như có các giải pháp nâng cao nhằm tăng năng lực cạnh tranh.
Cũng theo ông Nguyễn Chánh Phương, trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành điều tra nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam, đặc biệt là đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam được cho là “đội lốt” và có nguồn gốc từ các quốc gia khác như Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Vì thế, khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh thì Mỹ có thể tiếp tục áp dụng biện pháp phòng vệ nên cần kiểm soát chặt chẽ dòng đầu tư, nhất là doanh nghiệp gỗ nước ngoài chuyển đến Việt Nam sản xuất xuất vào Mỹ.
Để ứng phó, ông Nguyễn Anh Dương khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường và đề ra kế hoạch ứng phó. Các cơ quan quản lý cũng nên chủ động theo dõi, đánh giá các xu hướng, quy định mới để thông tin phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp và không trái với cam kết quốc tế… Đồng thời nghiên cứu các giải pháp điều chỉnh các quy định có tính thích ứng với các xu hướng mới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các doanh nghiệp Mỹ để không chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà còn thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược từ phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường đến cung ứng dài hạn để ứng phó với những biến động thị trường. Hơn nữa, khi chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cải tiến và nâng cao năng lực để đảm bảo vị thế trong chuỗi giá trị, gia tăng giá trị hàng hoá xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Chủ động phương án dự phòng rủi ro Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 khiến nhiều nhà sản xuất nhận ra không nên phụ thuộc vào một điểm sản xuất cố định, dẫn tới làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, những thách thức về "hàng rào kỹ thuật" mới cần nhận diện rõ, đó là các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... Để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu và hạn chế các thách thức, các doanh nghiệp cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường. Đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, tiến ra thị trường quốc tế. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động phương án dự phòng, khắc phục những sự cố, rủi ro, biến động trên thị trường; cảnh giác với các hành vi gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế... Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA): Quản lý rủi ro chuỗi cung ứng Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú trọng quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, thiết lập kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro khi gặp các sự cố bất ngờ như biến động giá dầu, thay đổi chính sách thuế, hoặc thiên tai… Các doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh theo hướng tối ưu hoá sản xuất, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải; tối ưu hóa lộ trình và phương thức vận tải thông qua kết hợp đa phương thức vận tải (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt) để tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển. Minh Chi (ghi) |
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn