Chọn danh mục cổ phiếu tăng trưởng tháng 5

Mặc dù nhìn nhận vẫn còn tiềm ẩn các rủi ro trong ngắn hạn nhưng nhiều chuyên gia cũng có góc nhìn khá lạc quan về xu hướng dài hạn. Theo đó, các nhóm ngành có sự tăng trưởng tốt và thu hút được dòng tiền.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank

“Nhà đầu tư nên tranh thủ những phiên thị trường phục hồi để cơ cấu lại danh mục”

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Sell In May là một quan niệm hay được nhớ đến khi TTCK bước vào tháng 5, nhưng xác suất xảy ra cũng không phải là quá nhiều mà vẫn phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô, thị trường...

Hiện giai đoạn này thị trường khá biến động và bị ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố quốc tế như USDX, Fed hay TTCK Mỹ cũng đang điều chỉnh trong bối cảnh các yếu tố trong nước như tỷ giá, vàng liên tục lập đỉnh cũng tác động đến thị trường. Vì thế tháng 5 khó có thể tăng trưởng tốt như 3 tháng đầu năm. Tuy vậy, vùng giá hiện cũng đang ở mức thấp so với giai đoạn trước cũng hứa hẹn nhiều cơ hội hơn cùng với tiềm năng hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, dù kết quả kinh doanh quý I/2024 được cho là yếu tố tác động tích cực đến thị trường nhưng triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp thường không tác động mạnh trong ngắn hạn (nếu có sẽ ít bền vững hơn) mà có xu hướng tác động tăng dần trong trung dài hạn. Chẳng hạn, doanh nghiệp hứa hẹn một kết quả kinh doanh tốt thì thường cổ phiếu được hưởng lợi về lâu dài do giá phản ứng ngắn hạn xong thì quá trình thực hiện theo thời gian các nhà đầu tư sẽ xem xét doanh nghiệp có thực hiện đúng với kế hoạch đó hay không.

Nếu để nói về nhóm cổ phiếu có khả năng hồi phục trong tháng 5, đó là nhóm cổ phiếu của các ngành nghề như công nghệ, vận tải, năng lượng (xanh, năng lượng tái tạo), công nghệ và bất động sản...Do vậy, nhà đầu tư nên tranh thủ những phiên thị trường phục hồi để cơ cấu lại danh mục, hạn chế tối đa margin, tăng tỷ trọng tiền mặt.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)

“Các cổ phiếu VN30, bluechip nên được ưu tiên tăng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh của thị trường nhờ nền tảng cơ bản tốt và định giá về vùng hợp lý”

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Về diễn biến giao dịch tháng 4/2024, xu hướng tăng ngắn hạn suy yếu và đã đảo chiều trở thành giảm điểm khi áp lực bán tăng nhanh chóng hồi giữa tháng. Đỉnh điểm có giai đoạn thị trường giảm hơn 8% từ mức đỉnh trung hạn gần nhất. Về mặt kỹ thuật, vùng tích lũy quanh 1.160-1.180 đã là điểm đỡ đáng tin cậy giúp chỉ số có nhịp hồi hơn 3% trong tuần cuối tháng vừa qua.

Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến có những phiên tăng giảm xen kẽ biên độ rộng giúp chỉ số mở rộng nhịp hồi phục. Vùng kháng cự trước mắt của chỉ số là quanh đường MA20, tương đương mốc 1.230-1.240 điểm. Trước khi VN-Index xác nhận bứt phá khỏi vùng cản kể trên, chúng tôi cho rằng xu hướng trung hạn vẫn sẽ là giảm điểm.

Hiệu ứng “Sell in May” khá nổi tiếng trên thế giới nhưng chúng tôi cho rằng mức độ tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam là không đáng kể. Thống kê hiệu suất của VN-Index trong 10 năm gần nhất, có 6 năm tăng điểm với mức tăng bình quân 43 điểm/năm và 4 năm giảm với mức giảm bình quân 47 điểm/năm. Con số thống kê hiệu suất cho thấy hiệu ứng “Sell in May” có thể chỉ mang tính tham khảo, nhà đầu tư nên tập trung vào diễn biến thị trường và các vị thế trên danh mục cá nhân để đạt được hiệu suất tốt hơn.

Tính tới thời điểm hiện tại, chúng tôi thống kê được lợi nhuận quý I/2024 các doanh nghiệp niêm yết được công bố đạt mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ quý I/2023. Chúng tôi cho rằng, thị trường cũng đã hấp thụ tương đối tốt những thông tin trước cả khi các doanh nghiệp công bố BCTC quý I này thông qua công bố tại kỳ Đại hội Cổ đông 2024 của các doanh nghiệp. Vì vậy, sự phân hóa sẽ dần chuyển hướng sang những nhóm ngành, những doanh nghiệp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tốt trong quý II/2024.

Trong bối cảnh các tín hiệu khởi sắc trở lại của nền kinh tế dần xuất hiện có thể kể đến như: Dòng vốn FDI dồi dào; Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi. Các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận quý II tích cực bao gồm: Thép, Bán lẻ, Công nghệ thông tin.

Chúng tôi cho rằng vùng 1.180-1.230 sẽ là vùng biến động chính của chỉ số trong thời gian tới. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tăng/giảm tỷ trọng cổ phiếu dựa trên kịch bản cơ sở là chỉ số sẽ biến động về biên dưới/trên của ngưỡng điểm được đề cập. Các cổ phiếu VN30, bluechip nên được ưu tiên tăng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh của thị trường nhờ nền tảng cơ bản tốt và định giá về vùng hợp lý. Ngược lại, nhà đầu tư giảm dần tỷ trọng các cổ phiếu mang tính đầu cơ, rủi ro cao trong các nhịp hồi phục sớm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)

“Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, Khu công nghiệp, dầu khí, bán lẻ vẫn sẽ thu hút dòng tiền tốt nhất”

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Thị trường năm nay có chuỗi tăng trưởng kéo dài hơn mọi năm, vì vậy khi điều chỉnh cũng nhanh và độ rơi cũng dốc hơn. Thị trường tháng 5 có thể kỳ vọng sóng hồi phục của thị trường trong biên độ 1.180-1.250 tuy nhiên mức độ phân hoá cổ phiếu sẽ mạnh hơn và nhà đầu tư sẽ kiếm lợi nhuận khó hơn giai đoạn trước đó.

Cùng với thông tin từ mùa đại hội cổ đông, kỳ vọng vào lợi nhuận quý I/2024 đang là yếu tố trợ lực cho thị trường chứng khoán, đặc biệt hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này cũng lộ rõ sự phân hóa giữa các nhóm ngành, thậm chí ngay trong cùng một ngành sẽ rõ nét.

Về phía nhà đầu tư đã có dự báo lợi nhuận doanh nghiệp từ trước đó vì vậy chiến lược đầu tư quý II sẽ dựa trên kết quả doanh nghiệp trước đó và sự kỳ vọng theo hoạt động các quý còn lại trong năm. Năm nay sẽ không có nhiều nhóm ngành nổi bật vì vậy dòng tiền sẽ khó lan toả đều trên toàn thị trường. Trong mỗi nhóm ngành sẽ chỉ có vài doanh nghiệp là điểm sáng duy nhất và mang tính dẫn dắt chính.

Thị trường vẫn trong xu hướng tăng trung hạn, vì vậy các nhịp điều chỉnh sẽ nhanh và ngắn hơn. Nhà đầu tư có thể tăng cường tích luỹ cổ phiếu ở các nhịp giảm như đợt vừa qua. Ở nhịp sóng hiện tại, thị trường đã gần các điểm đáy hỗ trợ vì vậy nhà đầu tư tiếp tục gia tăng nắm giữ. Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, KCN, dầu khí, bán lẻ vẫn sẽ thu hút dòng tiền tốt nhất vì vậy nhà đầu tư hướng trọng tâm các nhóm ngành này.

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán Kafi

“Trong giai đoạn rủi ro vẫn còn duy trì, nhà đầu tư nên tiếp cận thị trường một cách thận trọng”

Ông Lương Duy Phước
Ông Lương Duy Phước

Trong bối cảnh thị trường tháng 4 có nhiều thông tin ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư và cũng như môi trường đầu tư, thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng tương đối lớn.

Mối quan tâm “sát sườn” với nhà đầu tư đầu tiên là tỷ giá và cách phản ứng của Ngân hàng Nhà nước trước vấn đề tỷ giá đang nóng dần. Thứ hai là về những tin đồn thất thiệt trong nhiều vấn đề. Thứ ba là kỳ vọng hệ thống KRX còn chưa chắc chắn và thứ tư kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết phân hóa cao. Do đó tâm lý giới đầu tư chịu áp lực nhận định thị trường trong môi trường có rủi ro “chưa rõ ràng” hay gia tăng dần về rủi ro. Hành động của nhà đầu tư đa số đều là tạm thời đứng ngoài thị trường chờ đợi thêm các thông tin cho rõ ràng và đỡ mịt mờ hơn, qua đó gây nên áp lực bán mạnh của tháng 04.

Cho đến tháng 5, nhiều rủi ro đã dần hạ nhiệt vào cuối tháng 4 đã phần nào giúp giải tỏa tâm lý mông lung của giới đầu tư trong nhận định thị trường sắp tới. Bằng chứng rõ ràng là thị trường đã ổn định, tạm chấm dứt đà giảm tại trung bình động 200 ngày quanh vùng từ 1.150-1.170 của VN-Index. Tuy vậy, sự hồi phục trở lại đà tăng của thị trường chung cũng còn nhiều cản trở khi sắp tới là thời gian của vùng trũng thông tin, khi giới đầu tư hấp thụ và đánh giá thông tin về môi trường đầu tư, kết quả và kế hoạch kinh doanh của các công ty niêm yết, đồng thời có kế hoạch cơ cấu danh mục cho giai đoạn nửa cuối năm.

Tháng 5 là tháng có mức độ tăng trưởng trung bình, đa số do nền thấp từ sự sụt giảm mạnh của tháng 4 trước đó. Như vậy, có thể tạm nhận định hiệu ứng “Sell in May” chưa hẳn cần áp dụng một cách máy móc mà nhà đầu tư cần tận dụng các nhịp giảm trước đó để cơ cấu lại danh mục, phân tích “top down” để tìm ra các ngành và mã có tiềm năng trong nửa cuối của năm 2024.

Thị trường chứng khoán thường được xem là thị trường của sự kỳ vọng, điều đó luôn được thể hiện vào định giá của cổ phiếu ở một mức độ nhất định. Khi thời điểm doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh đến gần hơn, các thông tin, từ cả nguồn chính thống và không chính thống sẽ có tác động đến kỳ vọng của thị trường về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó phản ánh vào mức định giá cho cổ phiếu hoặc rộng hơn là cho cả nhóm ngành.

Việc dòng tiền có xu hướng phân hóa tại một số nhóm ngành cũng đang phản ánh kỳ vọng của thị trường đang khác nhau đối với các nhóm cổ phiếu khác nhau, tuy nhiên sự chênh lệch đến thời điểm này có vẻ như vẫn chưa thực sự rõ rệt khi các thông tin không chính thống đang chiếm đa số.

Tuy nhiên trong thời gian tới, khi bức tranh triển vọng của doanh nghiệp trong năm 2024 trở nên rõ ràng hơn, chúng ta có thể sẽ thấy được sự phân hóa mạnh hơn của dòng tiền đối với các nhóm ngành.

Tất nhiên, một nhóm ngành hồi phục không có nghĩa là tất cả các cổ phiếu trong nhóm đó sẽ có được sự tăng giá như nhau, các doanh nghiệp đầu ngành có thể sẽ có biên độ thay đổi thấp hơn so với các cổ phiếu tầm trung trong ngành, tuy nhiên đổi lại nền tảng cơ bản của các cổ phiếu top đầu thường được đảm bảo hơn và ít có những biến động mạnh và khó lường trước được.

Trong giai đoạn rủi ro vẫn còn duy trì, theo tôi, nhà đầu tư nên tiếp cận thị trường một cách thận trọng.

Về chiến lược đầu tư, thứ nhất, về tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên duy trì trong mức hợp lý, duy trì lượng sức mua cho các nhịp giảm để tận dụng cơ cấu lại danh mục theo hướng bền vững, tránh lướt sóng mua giá cao.

Thứ hai, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội tại các cổ phiếu duy trì kết quả kinh doanh thuận lợi, có dòng tiền quan tâm lớn hay các cổ phiếu không biến động theo thị trường (beta thấp) giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh thị trường không ổn định.

Về nhóm cổ phiếu quan tâm, nhóm công nghệ đang nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư khi nhóm ngành này có sự tăng trưởng ổn định và tiềm năng tốt do sự đổi mới không ngừng thời gian vừa qua. Nhóm tiêu dùng không thiết yếu kỳ vọng vào sự phục hồi của sức mạnh tiêu dùng trong môi trường lãi suất thấp.

Tiếp theo là nhóm ngành Ngân hàng, do sự ổn định trong kết quả kinh doanh, mặc dù hiện tại nhóm này vẫn đang phải loay hoay giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng. Nhóm ngành cao su, hóa chất là các ngành được hưởng được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi nguyên liệu công nghiệp, nhóm ngành này đã trải qua một giai đoạn giảm tốc khá dài và cũng được kỳ vọng có thể phục hồi mạnh trong thời gian tới.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

“Các nhóm ngành có sự tăng trưởng tốt và thu hút được dòng tiền như Công nghệ, Bán lẻ hoặc nhóm thuộc hệ sinh thái Viettel, FPT”

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Diễn biến tiêu cực bất ngờ cách đây 2 tuần đã bẻ gãy xu thế tăng điểm trước đó của thị trường, mặc dù đã lấy lại được mốc 1.200 điểm, tuy nhiên rủi ro lướt sóng ở thời điểm hiện tại vẫn đang ở mức độ rất cao.

Các thông tin về tình hình chính trị đất nước cùng những thông tin bên lề đồn đoán hiện đang có sự tác động khá lớn tới tâm lý thị trường chung. Do vậy, diễn biến TTCK sau kỳ nghỉ lễ cũng như tháng 5 được tôi đánh giá là sẽ khá phức tạp và khó lường.

Trong kịch bản tích cực, thị trường cũng sẽ cần thời gian tích lũy trở lại trong biên độ hẹp với nền tảng thanh khoản thấp, ngược lại khả năng VN-Index tiếp cận ngưỡng 1.100 điểm trong tháng 5 cũng cần phải được tính đến.

Thực tế trong 2 tuần trở lại đây, diễn biến cổ phiếu không thực sự phân hóa theo triển vọng kinh doanh bởi những biến động rất mạnh gần đây của thị trường. Chỉ khi thị trường bước vào giai đoạn giằng co tích lũy thì sự phân hóa mới trở nên rõ nét hơn. Dù sao, việc lựa chọn doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt sẽ ít rủi ro hơn trong giai đoạn phức tạp hiện tại.

Khi đã xác định thị trường không thuận lợi và rủi ro tăng cao thì việc đầu tiên nhà đầu tư cần làm giảm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ về mức thấp (đặc biệt không nên sử dụng đòn bẩy) chứ không phải cố gắng tìm kiếm cổ phiếu lướt sóng. Cần kiên nhẫn chờ đợi xu hướng chuyển biến tích cực hơn mới giải ngân trở lại.

Nếu lựa chọn danh mục để cơ cấu, hay giảm thiểu mức độ rủi ro, tôi đánh giá cao các nhóm ngành có sự tăng trưởng tốt và thu hút được dòng tiền như Công nghệ, Bán lẻ hoặc nhóm thuộc hệ sinh thái Viettel, FPT.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn