Chuyển đổi số ngân hàng 2025: Kết nối dữ liệu, an toàn giao dịch

Chuyển đổi số ngân hàng 2025: Kết nối dữ liệu, an toàn giao dịch- Ảnh 1.

Họp báo công bố sự kiện "Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025" - Ảnh: VGP/HT

Ngày 26/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo công bố sự kiện "Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025".

Hướng đến một hệ sinh thái số thông minh toàn trình

Theo đại diện Ban tổ chức: Nghị quyết 57-NQ/TW như một trụ cột thể chế quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện. Với tinh thần ấy, chủ đề sự kiện năm nay: "Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới" không chỉ phù hợp định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ mà còn bám sát mục tiêu đưa người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm thụ hưởng chuyển đổi số.

Chủ đề "Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới" thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của ngành ngân hàng trong việc kiến tạo một hệ sinh thái tài chính hiện đại, thông minh, lấy công nghệ làm nền tảng. Nội dung chủ đề phù hợp với Nghị quyết 57, định hướng nâng cao trải nghiệm khách hàng, tạo động lực cho phát triển kinh tế số. Thứ ba, chủ đề kết nối với tinh thần "chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình", đảm bảo liên kết liên ngành, hướng tới phục vụ tối đa người dân và DN.

Không dừng lại ở đó, chủ đề năm nay còn là sự tiếp nối định hướng từ các năm trước, trong đó sự hội tụ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn được đặc biệt nhấn mạnh. Hệ sinh thái số ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm điều phối dòng chảy dữ liệu, tài chính và dịch vụ, hướng đến mục tiêu số hóa toàn diện.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) khẳng định: Sau 4 năm triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng đã ghi nhận nhiều kết quả đáng tự hào. Đến nay, trên 90% giao dịch ngân hàng tại nhiều tổ chức tín dụng được thực hiện qua kênh số, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng.

Thêm vào đó, hàng loạt dịch vụ như tiền gửi, mở tài khoản, phát hành thẻ, chuyển tiền, cho vay… đã được số hóa 100%, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao sự thuận tiện cho khách hàng.

Cùng lúc, NHNN liên tục hoàn thiện thể chế pháp lý, đảm bảo an toàn thông tin, đồng thời nâng cấp hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Hợp tác quốc tế được mở rộng nhằm cập nhật xu hướng công nghệ, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng.

Với phương châm lấy dữ liệu làm tài nguyên chiến lược, ngành ngân hàng đang từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để hướng tới ra quyết định dựa trên dữ liệu. Đồng thời, tăng cường truyền thông và giáo dục tài chính cũng là một phần không thể thiếu để người dân, DN tiếp cận dịch vụ ngân hàng số một cách an toàn và hiệu quả.

Chuyển đổi số ngân hàng 2025: Kết nối dữ liệu, an toàn giao dịch- Ảnh 2.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) trao đổi thông tin về chuyển đổi số ngân hàng - Ảnh: VGP/HT

Siết chặt an toàn, ngăn ngừa gian lận và lừa đảo công nghệ cao

Theo đại diện Vụ Thanh toán (NHNN), thời gian tới, NHNN đặt trọng tâm vào sáu nhóm giải pháp cụ thể gồm: triển khai các kế hoạch chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế pháp lý; phối hợp chặt với Bộ Công an thực hiện Đề án 06; nâng cấp hạ tầng; mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển nhân lực; kết nối, chia sẻ thông tin liên ngành.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, NHNN sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, các kế hoạch do NHNN ban hành để thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 71/NQ-CP;

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn trong TTKDTM, chuyển đổi số ngành ngân hàng;

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và NHNN trong triển khai Đề án 06;

Thứ tư, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn, chú trọng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung ngành ngân hàng tiến đến ra quyết định dựa trên dữ liệu;

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế để cập nhật xu hướng công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo;

Thứ sáu, tiếp tục triển khai phối hợp liên ngành: tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số và phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số;

Thứ bảy , đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhằm đối phó với tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi qua tài khoản ngân hàng, đại diện NHNN cho hay: Cơ quan này đang gấp rút sửa đổi Thông tư 17, siết chặt quản lý thông tin sinh trắc học. Kể từ 1/9/2025, việc mở tài khoản tổ chức hoặc cá nhân đều phải xác thực thông qua dữ liệu sinh trắc học, đối chiếu với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia dân cư. Đây là giải pháp để bảo vệ quyền lợi khách hàng, ngăn chặn hành vi lừa đảo. NHNN cũng sẽ cấm việc sử dụng bí danh hay còn gọi là "alias" liên kết với số tài khoản ngân hàng thật và được dùng để nhận/chuyển tiền, đăng nhập, hoặc xác thực giao dịch vì việc này có thể gây hiểu lầm cho người chuyển tiền.

Ngoài ra, dự kiến toàn ngành ngân hàng sẽ triển khai dịch vụ cảnh báo tài khoản gian lận trong năm 2025. Sau khi BIDV thí điểm thành công từ 1/4 với hơn 100 tỷ đồng được giữ lại nhờ cảnh báo kịp thời, các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, MB, Agribank sẽ lần lượt triển khai trên các ứng dụng số. Việc cảnh báo tình trạng nghi ngờ tài khoản gian lận sẽ được hiển thị ngay trên ứng dụng, người chuyển tiền hoàn toàn có quyền quyết định tiếp tục hay dừng giao dịch.

Dữ liệu cảnh báo sẽ được cập nhật liên tục, tránh tình trạng "gán nhãn" sai khiến người dùng bị ảnh hưởng. Song song đó, NHNN và các đơn vị sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để đảm bảo triển khai đồng bộ VNeID trong hoạt động ngân hàng.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, bà Phùng Thị Hải Yến- Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ: Ngân hàng đã tiên phong xây dựng hệ sinh thái số thông minh phục vụ đa phân khúc khách hàng, triển khai chữ ký số từ xa, kết nối với dữ liệu quốc gia dân cư. Vietcombank đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Dữ liệu dân cư và Căn cước công dân (RAR Center) của Bộ Công an trong các ứng dụng số, mở ra bước tiến mới trong hoạt động tín dụng online và bảo lãnh đầu tư trực tuyến.

Ở góc độ DN công nghệ, bà Nguyễn Thị Ngoan – Giám đốc tài chính Công ty MISA đã giới thiệu nền tảng MISA Lending, được thiết kế để kết nối DN SME với các tổ chức tín dụng. Với hơn 300.000 khách hàng SME đang sử dụng dịch vụ đám mây, MISA cung cấp dữ liệu trực tuyến để ngân hàng đánh giá rủi ro trong thời gian thực.

Nhờ nền tảng này, thời gian phê duyệt hồ sơ vay vốn được rút ngắn còn 1 ngày, không cần tài sản đảm bảo, tỷ lệ vay thành công đạt 30%, gấp 10 lần mô hình truyền thống. Hơn 22.500 tỷ đồng đã được giải ngân qua MISA Lending với tỷ lệ rủi ro nằm trong ngưỡng an toàn. MISA kỳ vọng cùng NHNN xây dựng mô hình "tam giác vàng" giữa Chính phủ – Ngân hàng – DN để thúc đẩy tài chính số.


Xem thêm tại cafef.vn