Cổ phần hóa chậm làm lãng phí nguồn lực, vốn nhà nước
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: TL

Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 3 năm không đạt dự toán

Báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn năm 2022, 5 tháng đầu năm 2023, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 20/5/2023, đã có 26 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 1 tập đoàn (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), 1 tổng công ty (Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và 24 doanh nghiệp thuộc các địa phương (Hà Tĩnh, Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Thuận, Thái Bình, Trà Vinh).

Trong cả năm 2022, cả nước chỉ ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, song chưa ghi nhận thêm doanh nghiệp nào được cổ phần hóa.

Về thoái vốn, năm 2022 ghi nhận thoái vốn nhà nước tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị là 43,9 tỷ đồng thu về 179,2 tỷ đồng.

Tính trong cả giai đoạn 2021 - 2022, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) chỉ đạt 4.848 tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (60.000 tỷ đồng).

Đánh giá chung về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra mới đây cho rằng, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, kết quả hạn chế, làm lãng phí nguồn lực, vốn nhà nước. Đáng nói, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán.

Còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do những bất ổn lớn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế; ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

Đồng thời, đặc thù của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này là các doanh nghiệp lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị, một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra; các doanh nghiệp nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng, sản phẩm dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với các hoạt động của địa phương.

Về nguyên nhân chủ quan, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm; việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.

Trước tình hình này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu DNNN chậm triển khai, vi phạm trong cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước.

Hoàn thiện quy định để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn

Về phía cơ chế chính sách, Bộ Tài chính cho biết đang tiếp tục rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trong đó, về việc xây dựng Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học để làm việc, trao đổi, thảo luận nội dung xây dựng dự thảo luật; đề nghị các bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty cử người tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng luật.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài chính xây dựng nghị định sửa đổi các nghị định trên theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung báo cáo của Bộ Tài chính và đang sắp xếp lịch để làm việc với các cơ quan, đơn vị về nội dung dự thảo nghị định.