Cổ phiếu nhà Vingroup “gánh” thị trường, VN-Index tăng gần 8 điểm
Sau phiên tăng 1,45% hôm qua (20/5), thị trường chứng khoán bước sang phiên giao dịch ngày 21/5 mở đầu với tâm lý hứng khởi nối tiếp từ đà tăng trước đó, giúp chỉ số thị trường bật mạnh ngay từ đầu phiên và có thời điểm tiệm cận vùng đỉnh cũ thiết lập trong tháng 3.
Tuy nhiên, trạng thái tích cực này không duy trì được lâu khi áp lực chốt lời gia tăng nhanh chóng, đặc biệt tại các nhóm vốn hóa lớn. Diễn biến giằng co sau nhịp bứt phá đầu phiên khiến chỉ số thị trường hạ nhiệt dần và có thời điểm quay về sát tham chiếu. Sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành cùng độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy phần lớn cổ phiếu rơi vào trạng thái điều chỉnh, bất chấp chỉ số vẫn giữ được sắc xanh nhẹ khi kết phiên sáng.
Sang đến phiên chiều, với động lực từ một số cổ phiếu trụ cột cùng với đà bứt phá của nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ giúp các chỉ số duy trì vững sắc xanh. Thanh khoản tăng đáng kể so với phiên trước. Tâm lý sau khoảng thời gian thận trọng trong phiên sáng đã được cởi bỏ và chuyển sang trạng thái tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,9 điểm (0,6%) lên 1.323,05 điểm. HNX-Index giảm 0,24 điểm (0,11%) xuống 217,46 điểm. UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (0,15%) lên 95,83 điểm. Sự phân hóa ở phiên hôm nay vẫn diễn ra mạnh khi có 337 mã tăng và cũng có 397 mã giảm giá. Toàn thị trường ghi nhận 39 mã tăng trần trong khi có 17 mã giảm sàn.
![]() |
Cổ phiếu VHM và VIC bứt phá và đóng góp nhiều nhất vào phiên tăng ngày 21/5. |
Tương tự như phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu “họ Vin” tiếp tục bứt phá mạnh và là động lực chính thúc đẩy VN-Index đi lên. VHM được kéo lên mức giá trần và đóng góp đến 4,18 điểm cho VN-Index. VIC cũng đóng góp 1,77 điểm cho chỉ số này khi tăng 2,2% trong phiên hôm nay. Có thời điểm VIC bị bán xuống mức giá đỏ và gây áp lực khiến VN-Index đảo chiều. Tuy nhiên, sự hồi phục của cổ phiếu này cũng giúp thị trường chung giao dịch tích cực hơn.
Hiện cả Vingroup và Vinhomes đều nằm trong top 3 tổ chức niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ đứng sau Vietcombank.
Bên cạnh đó, HVN cũng được kéo lên mức giá trần và nằm trong top các cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. STB, VPB, MSN… cũng tăng giá tốt trong phiên hôm nay. STB tăng 5,82%. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã có gửi thư chia tay tới toàn thể cán bộ, nhân viên và nói lời tạm biệt sau gần 8 năm đảm nhiệm cương vị điều hành cao nhất tại ngân hàng này.
Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, GEX và NVL đều được kéo lên mức giá trần. Các cổ phiếu đầu tư công cũng bứt phá mạnh, trong đó, VCG được kéo lên mức giá trần, HHV tăng 2,9%, PLC tăng 3%...
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu như GVR, LPB, FPT, VPL… gây áp lực khá lớn lên VN-Index. Trong đó, VPL giảm 1,5% và lấy đi của chỉ số này 0,62 điểm. GVR giảm 1,4% và lấy đi 0,37 điểm…
Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, bộ đôi cổ phiếu BCG và BCR đều bị kéo xuống mức giá sàn. TCD cũng có diễn biến tương tự khi đóng cửa phiên ở mức giá sàn. Các cổ phiếu như CTD, FRT, CMG, KBC… cũng đều chìm trong sắc đỏ ở phiên hôm nay.
![]() |
Khối ngoại mua ròng trở lại sau 3 phiên bán ròng. |
Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện hơn, tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 25.241 tỷ đồng, tăng 9% so với phiên trước, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 23.231 tỷ đồng, tăng 14%. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.062 tỷ đồng và 820 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng trở lại 480 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã STB với 354 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND được mua ròng 324 tỷ đồng. VHM và VCG đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất với 123 tỷ đồng. VIC Và VRE bị bán ròng lần lượt 94 tỷ đồng và 75 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn