Cổ phiếu ‘ông lớn’ ngân hàng được khuyến nghị MUA, tiềm năng tăng giá tới 23%
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) có thể đạt 36.982 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2024. Động lực tăng trưởng đến từ tín dụng tăng tương đương mức trung bình ngành, biên lãi ròng (NIM) cải thiện và chất lượng tài sản tiếp tục được kiểm soát tốt.
Với những luận điểm này, VCBS đưa ra khuyến nghị MUA cổ phiếu CTG với giá mục tiêu là 47.394 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng khoảng 23% so với mức giá trong phiên giao dịch chiều ngày 26/5 (ở mức 38.600 đồng/cổ phiếu, cập nhật lúc 13h50).
Tăng trưởng tín dụng nhờ sự phục hồi của phân khúc bán lẻ
Theo VCBS, VietinBank đã đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ. Tính đến ngày 13/5, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã vượt 7% so với đầu năm.
VCBS kỳ vọng tín dụng VietinBank sẽ tăng 16,9% trong năm 2025, chủ yếu nhờ sự phục hồi của phân khúc bán lẻ, đặc biệt là khách hàng cá nhân và hộ gia đình phục vụ sản xuất kinh doanh – nhóm chiếm tới 63% tổng tín dụng bán lẻ hiện tại. Đây cũng là cơ cấu giúp ngân hàng ít bị ảnh hưởng từ sự trì trệ của thị trường bất động sản, nơi tín dụng cho vay mua nhà đang có tín hiệu hồi phục tích cực (tăng 16,6% trong năm 2024, riêng quý III tăng 4,1% và quý IV tăng 11%).
Chiến lược của VietinBank trong thời gian tới là đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng ưu tiên và số hóa dịch vụ. Dư nợ tín dụng bán lẻ đã tăng từ 33% năm 2019 lên 39% năm 2024 và dự kiến sẽ vượt mốc 40% trong năm 2025 với mức tăng trưởng phân khúc bán lẻ khoảng 21,5%.
Trong khi đó, tín dụng bán buôn được kỳ vọng tăng 13,8%, nhờ động lực từ tiêu dùng, đầu tư công, vốn FDI, bất động sản công nghiệp và dân cư, năng lượng tái tạo, cùng các ngành như điện tử, dệt may, vật liệu xây dựng…
NIM kỳ vọng cải thiện nhẹ
Nhóm chuyên gia dự báo NIM của VietinBank sẽ bước vào chu kỳ phục hồi từ nửa cuối năm 2025 với động lực đến từ cả chiều huy động và cho vay.
Trong đó, chi phí vốn duy trì mức thấp nhờ tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cải thiện và lãi suất huy động duy trì mức thấp, cùng với việc tối ưu hóa nguồn vốn trên thị trường 2 và phát hành giấy tờ có giá.
Tỷ lệ CASA của ngân hàng hiện đạt 23,6%, cao thứ tư toàn ngành và là một trong số ít ngân hàng thành công trong việc thu hút nguồn CASA ổn định từ khách hàng cá nhân trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Theo đó, CASA từ khách hàng cá nhân tăng 1,6% so với đầu năm và tăng 24,5% so với cùng kỳ.
![]() |
Cơ cấu CASA của VietinBank. Nguồn: VCBS |
Ở chiều cho vay, dư địa giảm lãi suất đầu ra không còn nhiều do nhu cầu vay vốn mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế phục hồi; VietinBank gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ và tăng cường quản lý chất lượng nợ giảm các trường hợp thoái lãi.
Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt
Chất lượng tài sản tiếp tục là điểm sáng khi nền kinh tế cải thiện, thị trường bất động sản phục hồi và các khoản nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu duy trì ở mức thấp.
Một số khách hàng tái cơ cấu trong đó có một khách hàng lớn đã hết thời gian thử thách được chuyển về nợ nhóm thấp hơn và sẽ được hoàn nhập trích lập trong quý II/2025.
Danh mục trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được thu hẹp đáng kể, chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ tín dụng – thấp nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh, giúp VietinBank tránh được áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm tới.
Với bộ đệm dự phòng lớn và chất lượng tài sản ổn định, VCBS đánh giá VietinBank có đủ dư địa để trích lập linh hoạt, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2025. Mặc dù vẫn tiềm ẩn khả năng một số khách hàng có dư nợ tái cơ cấu không thể hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển thành nợ xấu, nhưng rủi ro được nhận định là thấp.
![]() |
Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank. Nguồn: VCBS |
Đối với rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ, VietinBank được đánh giá là ít bị ảnh hưởng nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh khi dư nợ cho vay khối FDI chỉ chiếm gần 6% dư nợ và khoảng 1.300 khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ.
Ngân hàng đã chủ động khoanh vùng và có những chính sách hỗ trợ đối với nhóm khách hàng có khả năng chịu tác động mạnh, đồng thời phân bổ tín dụng vào những ngành nghề tiềm năng hơn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Thêm vào đó, những diễn biến tích cực trong tiến trình đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ cũng được giảm thiểu đáng kể so với đánh giá trước đó của VCBS.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn