Còn dư địa để tăng trưởng tín dụng cuối năm
Còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2024, tín dụng đã tăng khoảng 10,08% so với đầu năm. Con số này cao hơn so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm ngoái. Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra trong năm 2024, theo tính toán, còn gần 670.000 tỷ đồng phải được bơm ra nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm.
Tại Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024, Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%. Trong đó cần đảm bảo đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. |
Thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2024 của các ngân hàng cho thấy, các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng dương. Tăng trưởng mạnh nhất thuộc về Techcombank với 19,68%, HDBank với 16,54%, NCB với 16,33%, LPBank với 16,10% cùng nhiều ngân hàng tăng từ 14% đến trên 15% như Nam A Bank, MSB, MB, Kienlongbank, TPBank…
Dù tăng trưởng mạnh nhưng dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm vẫn còn. Đến nay, nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm.
Chẳng hạn, Agribank có gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp lĩnh vực nông thuỷ sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu đang có lãi suất chỉ từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng; Sacombank có gói tín dụng cho vay ngắn hạn với quy mô 15.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm với khách hàng doanh nghiệp.
ACB dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu. LPBank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với tổng mức 3.000 tỷ đồng, lãi suất vay từ 5%/năm.
Eximbank cũng triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay VND từ 5,25%/năm dành riêng cho các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VBCI). Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoạt động hiệu quả, Eximbank cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay USD…
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đưa ra những gói giải pháp tín dụng được “may đo” cho từng lĩnh vực ngành nghề và quy mô hoạt động, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu…
Đơn cử, bên cạnh ưu đãi tín dụng, NCB còn đưa ra sản phẩm tài trợ cho các nhà phân phối trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), cho vay không tài sản bảo đảm đến 10 tỷ đồng; giải pháp tín dụng cho các doanh nghiệp thực hiện gói thầu có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ODA…
Vốn cho doanh nghiệp đi “đường dài”
Theo các chuyên gia, đã thành thông lệ, tín dụng sẽ tăng mạnh trong quý 4/2024, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất, bất động sản và tiêu dùng nội địa. Trong đó, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng đang dần tăng trở lại. Tín dụng tiêu dùng nhờ đó cũng kỳ vọng được phục hồi. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán MBS, từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô.
Đặc biệt, nhu cầu tín dụng càng cấp thiết trước yêu cầu về tăng vốn của các doanh nghiệp. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2024, quy mô vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 2.613,1 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trong việc đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khó khăn khi tiếp cận tín dụng vẫn còn hiện hữu.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến nông sản tại Hải Dương cho biết, để yên tâm đi “đường dài”, thực hiện được những dự án cung cấp nguồn hàng lớn cho đối tác, doanh nghiệp cần nguồn vốn trung và dài hạn từ ngân hàng. Vì thế, các doanh nghiệp đều mong muốn được tăng cường khả năng tiếp cận dòng vốn ưu đãi, các ngân hàng cần đổi mới quy trình và thủ tục giải ngân tín dụng.
Trước đó, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng, nên theo các chuyên gia, chính sách này sẽ là động lực tăng sức cạnh tranh tại các ngân hàng trong việc giành thị phần, do đó, chính sách lãi suất sẽ có xu hướng ưu đãi hơn dù cuối năm cũng là thời điểm không ít ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn tăng thanh khoản.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn