Cơn mưa lớn bóc trần chất lượng công trình trọng điểm 11.000 tỷ đồng, đơn vị nào đã thi công?
Trưa 24/5, nhiều hành khách di chuyển qua nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã ghi lại hình ảnh nước mưa chảy từ mái kính xuống khu vực sảnh chờ và băng chuyền hành lý. “Tôi không nghĩ nhà ga mới lại bị dột nhiều đến vậy. Chỗ nào cũng thấy nước nhỏ xuống, phải tránh né liên tục" - một hành khách chia sẻ.
Đáng chú ý, đây là lần thứ hai tình trạng tương tự xảy ra trong khoảng 1 tháng nhà ga này chính thức đưa vào vận hành.
![]() |
Nhà ga T3 tiếp tục bị dột nước (Nguồn: VOV) |
Lỗi tại "ông trời" hay do con người?
Tại lần dột đầu tiên vào ngày 7/5, trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban quản lý Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho biết, nguyên nhân bởi thời tiết tại TP. HCM thời gian qua nắng nóng, nhiệt độ trên bề mặt kính tăng cao đến 70- 80 độ C, dẫn đến bung lớp keo silicon, tạo khe hở.
Nhiều chuyên gia cho rằng giải thích của phía ban quản lý dự án là chưa hợp lý, bởi công trình có giá trị 11.000 tỷ đồng không thể kỹ sư không tính toán đến việc co ngót do thời tiết được, nếu quả thật đơn vị thi công khẳng định như vậy thì cần phải xem xét năng lực của họ ở các dự án trọng điểm khác.
Và thực tế chứng minh lần dột thứ hai cho thấy có thể loại bỏ yếu tố thời tiết quá nóng vì nhiều ngày qua thời tiết TP. HCM nhiệt độ bình thường có mưa nhẹ vào buổi chiều.
Không chỉ bị dột, nhà ga hiện đại này còn lộ nhiều điểm thiếu hoàn thiện tại khu vực nền đá sảnh chờ. Nhiều đoạn gạch lát có khe hở lớn, khiến hành khách vướng chân. Một số hành khách nữ đi giày cao gót đã bị kẹt gót hoặc suýt vấp ngã.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Ban điều hành gói thầu cho biết: "Do yêu cầu tiến độ rất gấp, để kịp đưa nhà ga vào khai thác đúng kế hoạch, một số hạng mục phụ trợ, đặc biệt là phần nền đá, phải hoàn thiện sau khi nhà ga đi vào hoạt động".
Hiện phần hoàn thiện mới đạt khoảng 50% diện tích sàn. Nhà thầu cho biết vẫn đang gấp rút triển khai 3 công đoạn còn lại gồm: bơm keo silicone vào khe co giãn, lắp joint đá và mài đánh bóng toàn bộ mặt sàn. Các công đoạn này chỉ được thực hiện ban đêm khi không còn chuyến bay, với thời gian thi công chỉ khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Dự kiến toàn bộ phần nền sẽ hoàn thiện trong tháng 6/2025.
![]() |
Phối cảnh dự án |
Nhà ga T3 Tân Sân Nhất được đưa vào khai thác từ hôm 17/4, là nhà ga phục vụ khách nội địa lớn nhất cả nước với công suất 20 triệu hành khách mỗi năm, nâng tổng năng lực khai thác của sân bay lên 50 triệu khách.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Hiện các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines từ TP. HCM đi Hà Nội, Vân Đồn và ngược lại đã chuyển sang nơi này khai thác.
Được biết, gói thầu số 12 - xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga trị hơn 9.000 tỷ đồng được thực hiện bởi liên danh gồm 6 nhà thầu: Tổng CTCP Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng CTCP Xây dựng số 1 (CC1), Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons và Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn