Cuộc đua tăng vốn ngân hàng: Bản lề cho cuộc tái phân hạng toàn ngành

Trong mùa đại hội cổ đông, bên cạnh mục tiêu kinh doanh, các kế hoạch tăng vốn của ngân hàng nổi lên như điểm tin đáng chú ý. Từ các ngân hàng quốc doanh như BIDV, Vietinbank, Vietcombank và các ngân hàng tư nhân lớn như MBBank, VPBank đều đặt mục tiêu tăng vốn từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây không còn là xu hướng nhất thời mà đã trở thành một hành động mang tính hệ thống. Trong môi trường định hướng tăng trưởng kinh tế cao, tín dụng mở rộng mạnh mẽ và yêu cầu của các chuẩn mực quản trị quốc tế, việc tăng vốn trở thành điểm neo không thể thiếu nếu muốn bứt phá về quy mô và chất lượng.

Ở khía cạnh khác, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng còn là câu trả lời cho nhiều kỳ vọng chiến lược. Không ngân hàng nào có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hai con số nếu không mở rộng nền tảng vốn. Cũng không thể cạnh tranh trong cuộc đua ngân hàng số hay phát triển hệ sinh thái tài chính tích hợp nếu thiếu một nền tảng tài chính đủ vững để đầu tư dài hạn. Điều đó lý giải vì sao trong giai đoạn hiện tại, nhiều ngân hàng chọn cách tăng vốn quyết liệt, rõ nhất là qua phát hành trái phiếu dài hạn.

Động lực và bối cảnh của làn sóng tăng vốn

Trong bức tranh hệ thống ngân hàng năm 2025, việc tăng vốn không diễn ra một cách ngẫu nhiên hay theo phong trào. Thực chất, các hoạt động này đều phản ánh các chiến lược của ngân hàng về quản lý tài sản và nguồn vốn. Hiện nay, kỳ vọng mở rộng không gian tín dụng của ngành ngân hàng ngày càng mạnh mẽ, thêm vào đó Việt Nam ngày càng tiệm cận các chuẩn mực quản trị ngân hàng của thế giới, bối cảnh này mang đến sức ép cạnh tranh trong ngành và áp lực nâng cao năng lực vốn.

Mặt khác, việc đáp ứng chuẩn mực Basel II và lộ trình tiến tới Basel III đang dần trở thành hàng rào kỹ thuật đối với các ngân hàng Việt Nam. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% theo Basel II, trong khi Basel III yêu cầu cao hơn đối với vốn chất lượng cao (CET1) và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 10.5%. Các quy định khắt khe này khiến nhiều ngân hàng rơi vào thế gãy đà tăng trưởng tín dụng nếu không kịp bổ sung vốn.

Cuộc đua tăng vốn ngân hàng: Bản lề cho cuộc tái phân hạng toàn ngành
Nhiều ngân hàng niêm yết có hệ số CAR dưới ngưỡng an toàn Basel III: Áp lực tăng vốn đang hiện hữu. Nguồn: WiData.

Thực tế, hiện nay, gần như các ngân hàng niêm yết và các ngân hàng OTC khác đều đáp ứng được hệ số CAR tối thiểu theo Basel II. Về tiêu chuẩn Basel III, dựa trên số liệu 2024, 20 ngân hàng đáp ứng điều kiện CAR tối thiểu. Nhưng nhìn chung, hệ số CAR trung bình của các ngân hàng đang dao động khoảng 11.5%, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình tại các nước ASEAN, như Indonesia có hệ số CAR là 25.8%, Singapore là 17% và Malaysia là 18.9%.

Đáng chú ý, 2 ngân hàng quốc doanh đang có mức CAR thấp hơn tiêu chuẩn của Basel III, bao gồm BIDV và Vietinbank – đây cũng là 2 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất. Yêu cầu về năng lực tài chính và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường vốn đối với các ngân hàng. Đây còn là yêu cầu sống còn để không bị tụt hậu trong phân bổ tín dụng hàng năm. Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, dựa trên mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN, trực tiếp ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn. Trong năm 2025, khi mục tiêu tín dụng toàn hệ thống được nới lên mức 16% hoặc cao hơn, các ngân hàng không đủ vốn sẽ không được phân bổ tương ứng, mất đi cơ hội mở rộng tăng trưởng tín dụng.

Sự gia tăng cạnh tranh trong ngành ngân hàng, đặc biệt trên ba mặt trận: chuyển đổi số, dịch vụ tài chính tích hợp và tài chính xanh, đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, các cổ đông lớn cũng gia tăng áp lực lên ban lãnh đạo về tỷ suất sinh lời dài hạn, trong khi vẫn đòi hỏi mức cổ tức ổn định. Tăng vốn, nhờ đó, trở thành điểm cân bằng giữa kỳ vọng cổ đông và chiến lược phát triển bền vững. Đây vừa là bài toán tài chính vừa là thước đo về năng lực chiến lược quản trị của ngân hàng.

Diễn biến phát hành trái phiếu bổ sung vốn cấp 2

Nếu động cơ tăng vốn là rõ ràng và cấp thiết, thì câu hỏi lớn tiếp theo là: bằng cách nào để tăng vốn hiệu quả. Trong bối cảnh thị trường vốn nội địa còn hạn chế, khẩu vị nhà đầu tư ngày càng chọn lọc, mỗi ngân hàng cần lựa chọn chiến lược tăng vốn phù hợp với nội lực tài chính, định vị thị trường và mục tiêu dài hạn. Từ thực tiễn thì ba nhóm công cụ được sử dụng phổ biến là giữ lại lợi nhuận, phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu dài hạn. Mỗi phương án đều có ưu điểm – hạn chế riêng, đồng thời phản ánh chiến lược quản trị vốn của từng ngân hàng.

Cuộc đua tăng vốn ngân hàng: Bản lề cho cuộc tái phân hạng toàn ngành
Cơ cấu phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 năm 2024: Khối quốc doanh dẫn đầu, ngân hàng bán buôn bám đuổi sát sao. Nguồn: WiData.

Trong năm 2024-2025, phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để bổ sung vốn cấp 2 đang trở thành xu hướng mạnh mẽ. Trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên đủ điều kiện được tính vào vốn cấp 2, qua đó giúp các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) mà không làm pha loãng quyền sở hữu cổ đông. Theo thống kê phát hành năm 2024, nhóm ngân hàng quốc doanh dẫn đầu về giá trị trái phiếu bổ sung vốn cấp 2, với tổng quy mô ước đạt hơn 43.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% toàn ngành. Trong đó, BIDV là cái tên nổi bật nhất khi đóng góp tới một nửa giá trị trái phiếu cấp 2 của nhóm này. Bước sang năm 2025, VietinBank cũng cho thấy động thái đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, với tổng giá trị lên đến 10.500 tỷ đồng chỉ trong 4 tháng đầu năm.

Khối ngân hàng tư nhân cũng cho thấy sự nhộn nhịp rõ nét trong hoạt động phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để bổ sung vốn cấp 2. Nhóm ngân hàng bán buôn xếp thứ hai về tổng giá trị phát hành, ước đạt khoảng 30.656 tỷ đồng. Dẫn đầu nhóm này là HDBank với 21 đợt phát hành trái phiếu dài hạn trong năm—một phần phản ánh chiến lược củng cố nền tảng vốn trước đà tăng nhanh của dư nợ tín dụng. Trong khi đó, các ngân hàng thuộc nhóm bán lẻ và nhóm ngân hàng nhỏ khác có quy mô phát hành khiêm tốn hơn. Hoạt động phát hành trái phiếu chủ yếu tập trung ở top 15 ngân hàng có hệ số CAR thấp nhất, dưới ngưỡng 12%.

Làn sóng tăng vốn thời gian qua cho thấy phản ứng của các ngân hàng trước yêu cầu pháp lý, và cũng là bước đi chiến lược để tái định vị trong chu kỳ kinh tế mới. Trong bối cảnh hệ thống tài chính hội nhập, cạnh tranh gay gắt và yêu cầu minh bạch gia tăng, việc tăng vốn trở thành điều kiện tiên quyết cho các bước đi dài hạn. Ngân hàng chậm chân không chỉ mất thị phần tín dụng mà còn bỏ lỡ cơ hội xác lập vị thế trong hệ sinh thái tài chính tương lai — nơi năng lực quản trị và nền tảng vốn sẽ quyết định sức cạnh tranh.

Bài phân tích của ông Lê Hoài Ân – CFA Charterholder, Nhà sáng lập IFSS, Đồng sáng lập WiResearch – đơn vị nghiên cứu thuộc WiGroup.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn