Đảm bảo cân đối nguồn vốn, lãi suất huy động trong xu hướng tín dụng tăng trở lại

Hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động

Sau nhiều tháng liên tục giảm, xu hướng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng đã bắt đầu từ tháng 4/2024 và số lượng ngân hàng điều chỉnh nhiều hơn từ đầu tháng 5.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, tính đến nay đã có hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động, và không ít ngân hàng có mức tăng từ 0,5-0,9%/năm.

Ngân hàng tăng lãi suất mạnh nhất là CBBank với mức tăng 0,9%, áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Các ngân hàng khác như Viet A Bank, Sacombank, Techcombank, TPBank, VIB, BVBank, Shinhan Bank, GPBank, BacABank… cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% tới 0,5%.

Ngoài ra, ngân hàng thuần số Cake by VPBank cũng đã tăng 0,3-0,7 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn trong tháng 4.

Theo bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động đã bắt đầu nhích tăng ở hầu hết kỳ hạn, với mức tăng phổ biến từ 0,1-0,5%/năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi hơn dành cho sản phẩm gửi tiền gửi trực tuyến (cao hơn sản phẩm gửi tại quầy khoảng 0,1-0,5%/năm).

Báo cáo của SSI đánh giá, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng dành cho khách hàng cá nhân vào khoảng 4,8-5,4%/năm, đang thấp hơn khoảng 0,2-0,3%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức hiện chỉ mới tăng nhẹ ở một số ngân hàng thương mại khác, đang niêm yết ở vùng 4,2-5,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động tại các ngân hàng tăng trở lại để đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 23/4/2024, huy động vốn giảm 0,52% trong khi tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,6% so với cuối năm 2023.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 2 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm do yếu tố mùa vụ và chỉ “đảo chiều” tăng trưởng dương từ tháng 3.

Ngoài ra, báo cáo tài chính quý 1/2024 cho thấy, nhiều ngân hàng bị sụt giảm lượng tiền gửi. Chẳng hạn, ABBank giảm 16,5%; tiếp đến là TPBank giảm 8,4%; MB giảm 1,5%; Kienlongbank giảm 1,2%; VIB giảm 1%; SHB giảm 0,7%...

Nói thêm về nguyên nhân lãi suất huy động tăng, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, do ảnh hưởng từ việc NHNN bán tín phiếu để kiểm soát tỷ giá, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng cao lên, các ngân hàng vay mượn nhiều lẫn nhau sẽ chịu ảnh hưởng, từ đó tác động đến lãi suất huy động.

Chưa ảnh hưởng đến lãi suất cho vay

Với tình hình như trên, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5-1%/năm từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Cũng dự báo về xu hướng lãi suất, báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Công ty Chứng khoán MSB cho hay, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, vì thế, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5-0,7%/năm, quay về mức 5,1%-5,3%/năm trong nửa sau năm 2024.

Mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng các ngân hàng cho biết lãi suất đầu ra không thay đổi trong bối cảnh đang phải hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thậm chí nhiều ngân hàng vẫn đưa ra chính sách giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên và tiếp tục đưa ra nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho từng nhóm đối tượng.

Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi bởi việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng với biên độ không cao, kỳ hạn ngắn cũng như tác động của chính sách còn có độ trễ. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại sẽ có xu hướng giữ lãi suất cho vay ở mức hợp lý nhằm đáp ứng những chỉ đạo, khuyến nghị từ Chính phủ và NHNN, cũng như để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung vào cuối năm.

Trong thời gian tới, về điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cho biết sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Các TCTD đã công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay trên trang thông tin điện tử của ngân hàng, bổ sung thông tin tham khảo cho khách hàng khi tiếp cận vốn vay.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn