Doanh nghiệp Đài Loan mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp Đài Loan có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Trong ảnh: Công ty Far Eastern Polytex
Nhiều doanh nghiệp Đài Loan có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Trong ảnh: Công ty Far Eastern Polytex.

Bến đỗ an toàn cho dòng vốn FDI

Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xơ sợi tổng hợp, dệt nhuộm thành phẩm và may mặc, thông báo sẽ tiếp tục rót thêm hơn 250 triệu USD vào Bình Dương trong quý III, nâng tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm lên 1,37 tỷ USD.

Ông Yeh Ming Yuh, Tổng giám đốc Far Eastern Polytex Việt Nam cho biết, Công ty sẽ đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất các sản phẩm sợi siêu bền (ứng dụng trong sản xuất dây an toàn, túi khí, lớp bố trong lốp xe…), đồng thời xây dựng một nhà máy điện năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho sản xuất.

Được biết, Công ty Far Eastern Polytex hiện là doanh nghiệp có số vốn đầu tư lớn nhất tại Bình Dương tới thời điểm này.

Trong khi đó, Tập đoàn JiaWei, chuyên sản xuất thiết bị gia dụng công nghệ cao, đã chọn tỉnh Nam Định là điểm đến đầu tư với mục tiêu thành lập nhà máy sản xuất rộng 8,5 ha, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại hiện nay, xu thế thấy rõ là nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã chuyển cơ sở sản xuất về Việt Nam, nơi được coi là bến đỗ an toàn cho dòng vốn FDI.

Động thái này càng thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư Đài Loan vào môi trường kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Phát biểu tại Tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, Phó chủ nhiệm Hội đồng Phát triển Đài Loan (NDC), bà Shien Quey Kao cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại hiện nay, xu thế thấy rõ là rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã chuyển các cơ sở sản xuất về Việt Nam, nơi được coi là bến đỗ an toàn cho dòng vốn FDI.

“Khẩu vị” đa dạng của nhà đầu tư Đài Loan

Cũng theo bà Shien Quey Kao, trong tương lai, nếu Việt Nam mở rộng hợp tác với Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, khuyến nghị đầu tiên là việc đào tạo nhân sự chất lượng cao, với các kênh trao đổi sinh viên tài năng. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư Đài Loan đối với các lĩnh vực công nghiệp và điện tử đang phát triển mạnh của Việt Nam.

“Trong những năm gần đây, nhiều đoàn doanh nghiệp Đài Loan chuyển sản xuất máy móc và điện tử sang Việt Nam, thể hiện rõ kế hoạch chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư của họ. Mối quan tâm của các nhà đầu tư này đang xoay quanh việc lựa chọn địa điểm cụ thể để đặt nhà máy”, ông Hoàng nói.

Đại diện Công ty Phát triển khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định) cho biết, các doanh nghiệp Đài Loan lựa chọn Việt Nam do vị trí địa lý thuận tiện, cộng với sự tương đồng về văn hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam có mối quan hệ chính trị song phương và đa phương khá ổn định với nhiều quốc gia. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, tác động đến quyết định đầu tư trong bối cảnh xung đột chính trị diễn biến phức tạp. Vì vậy, lựa chọn Việt Nam sẽ khiến nhiều nhà đầu tư Đài Loan yên tâm về kế hoạch lâu dài và ổn định.

Sự hiện diện ngày càng tăng của nhà đầu tư Đài Loan tại Việt Nam vượt ra ngoài lĩnh vực công nghiệp. Đáng chú ý, nhà đầu tư Đài Loan đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực bất động sản, các dự án như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Trung tâm Hoàng gia nhận được những khoản đầu tư lớn. Những khoản đầu tư này thể hiện “khẩu vị” đa dạng của nhà đầu tư Đài Loan và cam kết của họ đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo thống kê, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, chiếm tới 80% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực xây dựng và bất động sản, cùng nhiều ngành khác cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Đài Loan.

Hiện tại, các khoản đầu tư của Đài Loan trải đều trên 55 tỉnh, thành phố khắp cả nước. Dẫn đầu là Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn đầu tư lũy kế. Bình Dương giữ vị trí thứ hai với số vốn đầu tư vượt 6 tỷ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn. Đồng Nai theo sát ở vị trí thứ ba, với vốn đầu tư vượt 5 tỷ USD, đóng góp hơn 13% tổng vốn đầu tư lũy kế. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và TP.HCM cũng chứng kiến hoạt động đầu tư đáng kể của doanh nghiệp Đài Loan.

Bên cạnh dòng vốn FDI, Việt Nam cũng chứng kiến ​​sự gia tăng đầu tư gián tiếp từ Đài Loan, tăng cường sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư Đài Loan vào thị trường Việt Nam. Hai tháng qua, Quỹ China Trust Vietnam Opportunity, một quỹ đầu tư cổ phiếu  của CTBC Investment, liên tục huy động vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam bằng dollar Đài Loan.

Ông Zhang Chenwei, Giám đốc China Trust Vietnam Opportunity Fund nhận xét, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế, bao gồm tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp và một đồng tiền ổn định. Việt Nam cũng là một trong những nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều nhất trên thế giới, điển hình như EVFTA, RCEP…

“Tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam tương đồng với quỹ đạo phát triển của Trung Quốc và Đài Loan, cùng môi trường đầu tư thuận lợi, là nền tảng cho sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Đài Loan”, ông Chenwei nhấn mạnh.

Xem thêm tại baodautu.vn