Dư nợ tín dụng xanh chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Trong đó, dư nợ công nghiệp xanh và công trình xây dựng xanh đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Phát biểu tại hội thảo gần đây về vấn đề này, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế chuyển sang mô hình kinh tế xanh, phát thải thấp.

NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của ngành Ngân hàng, Đề án phát triển ngân hàng xanh.

Trong đó, ưu tiên một số giải pháp trọng tâm như, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng, trong đó có tín dụng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn để thực hiện các dự án xanh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh.

Đồng thời chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh huy động nguồn lực; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý, tăng dần tỷ trọng vốn tín dụng cho các dự án xanh, mang lại lợi ích môi trường…

Nhiều ngân hàng đã chú trọng triển khai tín dụng xanh.
Nhiều ngân hàng đã chú trọng triển khai tín dụng xanh.

Về phía các ngân hàng, việc triển khai tín dụng xanh cũng đã và đang rất được chú trọng. Chẳng hạn, tại BIDV, tính đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt tới 80.870 tỷ đồng – chiếm hơn 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng Việt Nam.

Ngân hàng cũng đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng với 1.982 dự án/phương án, trong đó dư nợ các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 74%; dư nợ công trình xanh đạt 6.500 tỷ, chiếm 8%; dư nợ khu công nghiệp xanh đạt 1.736 tỷ đồng, chiếm 2% và dư nợ nước sạch đạt 1.174 tỷ đồng, chiếm 1,5%.

Đồng thời, BIDV đã huy động 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững và 5.000 tỷ đồng tiền gửi xanh.

Với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “tam nông”, có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực xanh.

Trong năm 2024, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh với hơn 42.000 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.000 tỷ đồng.

Tại Techcombank, tín dụng xanh dành cho khách hàng doanh nghiệp đã tăng lên hơn 16.400 tỷ đồng trong năm 2024. Ngân hàng cũng đã phát hành thành công trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế, nhằm tài trợ cho các dự án và lĩnh vực xanh.

Tại ACB, tính đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh là 273,3 tỷ đồng, tập trung vào một số ngành xanh trọng điểm như: xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm, quản lý nước bền vững, năng lượng...

Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh cũng đã được nhấn mạnh.

Trong đó, Nghị quyết 68 yêu cầu đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn