Đua tăng vốn, ngân hàng cấp tập "bơm" hàng chục nghìn tỷ đồng

Rộn ràng đường đua tăng vốn

Vào đầu tháng 5/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng, tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng cho ACB thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Cụ thể, ACB dự kiến phát hành gần 670 triệu cổ phần mới, tương ứng tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới). Kế hoạch này đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 thông qua và dự kiến triển khai trong quý III/2025.

Theo báo cáo của các ngân hàng, việc tăng vốn là cần thiết nhằm bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ hoạt động tín dụng, nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR), đồng thời tăng cường nguồn lực cho các dự án chiến lược, chuyển đổi số...

Vào giữa tháng 5/2025, NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 4.249 tỷ đồng, nâng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên khoảng 34.040 tỷ đồng cho VIB thông qua hai phương án phát hành cổ phiếu.

Cụ thể, VIB sẽ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông hiện hữu, đồng thời phát hành gần 7,8 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Mới đây, NCB cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.500 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Phương án này đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của NCB thông qua vào cuối tháng 3/2025.

Theo đó, NCB sẽ phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.500 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến triển khai phương án chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ từ quý II - IV/2025.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 11.780 tỷ đồng hiện tại lên 19.280 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn thứ 3 trong vòng 4 năm liên tiếp (2022 - 2025) của NCB.

Ngoài 3 ngân hàng đã được chấp thuận nêu trên, hiện các ngân hàng thương mại cũng đang cấp tập lên kế hoạch chia cổ tức để tăng bộ đệm vốn theo các phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2025 thông qua.

Trong thông cáo vừa phát đi, SHB cho biết ngày 10/6/2025 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và ngày 20/6/2025 là ngày thanh toán tiền cho người sở hữu chứng khoán.

SHB dự kiến nâng vốn điều lệ lên 45.942 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị trí Top 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Thông cáo của SHB cũng cho biết đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện các thủ tục chuẩn bị phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2024 bằng cổ phiếu tỷ lệ 13%. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2025 dự kiến ở mức 18%.

Ngoài ra, ngay trong tháng 5/2025 này, 4 ngân hàng dự chi khoảng 16.000 tỷ đồng chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông gồm LPBank, VIB, TPBank và VPBank.

Trong đó, LPBank chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao nhất trong các ngân hàng hiện nay, với tỷ lệ chia là 25%, tương ứng tổng số tiền chi trả hơn 7.468 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông LPBank nhận cổ tức là 20/5 và ngày thanh toán dự kiến là 28/5/2025.

Cổ đông TPBank cũng sắp được nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng), ngày thanh toán là 23/5/2025. VPBank cũng sắp chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, ngày thanh toán là 23/5/2025...

Các ngân hàng khác như Techcombank, OCB, MB, MSB, Nam A Bank... cũng dự kiến sẽ triển khai chính sách chia cổ tức trong thời gian tới.

Duy trì ổn định quy mô vốn toàn ngành

Theo nhận định tại báo cáo ngành Ngân hàng của VIS Rating, quy mô vốn của toàn Ngành vẫn ở mức khiêm tốn do lợi nhuận ổn định và hạn chế trong việc huy động vốn mới. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình/tổng tài sản hữu hình (TCE/TA) duy trì ổn định ở mức 8,5% năm 2024.

Các chuyên gia VIS Rating kỳ vọng quy mô vốn toàn Ngành sẽ duy trì ổn định trong năm 2025 khi mức cải thiện của lợi nhuận và khả năng tạo vốn nội bộ sẽ đi cùng với tốc độ tăng trưởng tài sản.

Nguồn: NHNN, tính đến 30/11/2024.
Nguồn: NHNN, tính đến 30/11/2024.

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính đến cuối năm 2024, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng trong nước (gồm Agribank và 27 ngân hàng thương mại) là hơn 823.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cuối năm 2023. Trong năm 2024, có tới 20 trên 28 ngân hàng thực hiện và được chấp thuận tăng vốn điều lệ.

Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội mới đây cũng nêu, trong năm 2024, để củng cố năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước, NHNN đã trình cấp có thẩm quyền chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Vietcombank, BIDV thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và đang lấy ý kiến trình cấp có thẩm quyền đối với VietinBank. Ngoài ra, các ngân hàng này đang thực hiện các thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần và các công ty tài chính, trên cơ sở đề xuất, NHNN đã chấp thuận tăng vốn điều lệ theo quy định, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn