Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP.HCM bằng tàu 350km/h sẽ thành hiện thực trong 5 năm với VinSpeed?

Viễn cảnh tàu tốc độ cao mang tên VinSpeed hiện đại chạy qua các tỉnh thành Việt Nam trong tương lai nếu đề xuất của doanh nghiệp được Nhà nước thông qua. Video do AI ChatGPT sáng tạo ra, không phải là hình ảnh chính thức từ dự án

 VinSpeed quyết tâm biến dự án thành hiện thực

Bà Đào Thụy Vân - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed chia sẻ với báo chí sau khi công ty này gửi đề xuất tham gia vào siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Dự án không chỉ là bước ngoặt lớn của VinSpeed mà còn mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia. Dù nhiều thách thức phía trước, chúng tôi quyết tâm tận dụng mọi nguồn lực để biến dự án thành hiện thực, tạo ra dấu ấn phát triển dài lâu cho đất nước.

Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng hệ thống giao thông hiện đại và kết nối nhanh chóng ngày càng cấp thiết, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đề xuất đầu tư đang thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng và các nhà quản lý.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên cho biết: Nhìn vào những năng lực triển khai của các doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vượng điều hành, chúng ta có thể sự tin tưởng VinSpeed sẽ "mang mã gien kỳ tích" của Vingroup đã được chứng minh qua rất nhiều công trình hạ tầng vừa đạt kỷ lục về tốc độ xây dựng vừa đảm bảo chất lượng.

"Cần nói thêm là trong 5 năm, Trung Quốc thậm chí hoàn thành tới 29.000 km ĐSTĐC. Vậy tại sao phải nghi ngờ năng lực và cam kết của VinSpeed? Đặc biệt, việc dự án hoàn thành sớm hơn 5 năm còn giúp tiết kiệm nhiều nguồn lực cho quốc gia", ông Nghĩa nói với báo trên.

Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP.HCM bằng tàu 350km/h sẽ thành hiện thực trong 5 năm với VinSpeed?- Ảnh 1.

Với tốc độ trung bình khoảng 350km/h thì đi từ Hà Nội vào TP HCM chỉ mất khoảng gần 6 tiếng, tính cả giờ dừng đỗ ở các ga

Bên cạnh đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì cho biết trên tờ VietTimes rằng đề xuất của VinSpeed là một đề xuất rất đáng hoan nghênh. 

Theo ông Đức, một tập đoàn tư nhân lớn mạnh trong nước như Vingroup, thông qua công ty con VinSpeed, dám nghĩ đến và đứng ra đảm nhận một siêu dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, điều đó thể hiện khát vọng phát triển và tinh thần trách nhiệm với đất nước. Không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có tầm nhìn và dũng khí như vậy.

"VinSpeed là một công ty thành viên mới thành lập nhưng đứng sau là Tập đoàn Vingroup, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Họ đã có kinh nghiệm làm nhiều dự án quy mô lớn từ bất động sản đến công nghiệp và dịch vụ. Điều đó thể hiện năng lực tài chính tổng hợp, uy tín tín dụng và khả năng huy động vốn trong và ngoài nước", Luật sư Đức nói vưới VietTimes.

Bộ Xây dựng xem xét đề xuất của doanh nghiệp, báo cáo trước ngày 22/5

Ngày 15/5, Văn phòng Chính phủ đã chính thức công bố thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sau cuộc họp bàn về đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam do VinSpeed trình bày. Tại cuộc họp ngày 12/5, đại diện các bộ ngành đều thể hiện sự ủng hộ bước đầu, đặc biệt trước tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực trọng yếu, trong đó có hạ tầng giao thông đường sắt.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành khẩn trương hoàn tất báo cáo, đánh giá các đề xuất của doanh nghiệp trước ngày 22/5. Bộ Xây dựng đóng vai trò chủ chốt tổng hợp toàn bộ ý kiến, trước khi trình lên cấp có thẩm quyền tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Đồng thời, Công ty VinSpeed cũng phải chủ động hoàn thiện hồ sơ, đưa ra bản phân tích so sánh rõ ràng giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân, nhằm chứng minh tính khả thi, hiệu quả vượt trội nếu được giao dự án.

Điểm sáng trong đề xuất của VinSpeed là kế hoạch đầu tư theo hình thức tư nhân hoàn toàn, với một số cơ chế đặc thù như vay vốn nhà nước không tính lãi trong vòng 35 năm và thời hạn khai thác dự án lên đến 99 năm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành nhanh chóng hoàn thiện báo cáo đánh giá, đảm bảo các phương án này được thẩm định chặt chẽ và trình Quốc hội quyết định.

Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP.HCM bằng tàu 350km/h sẽ thành hiện thực trong 5 năm với VinSpeed?- Ảnh 2.

Người dân hoàn toàn có thể sáng xuất phát Hà Nội, trưa tắm biển Nha Trang với đường sắt tốc độ cao

Dự án được ước tính tổng vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư thì vào khoảng 67,3 tỷ USD. VinSpeed dự kiến doanh nghiệp sẽ tự chủ động huy động 20% vốn. 

Phần còn lại, tương đương 80%, VinSpeed đề xuất được vay từ Nhà nước với ưu đãi lãi suất 0% trong thời gian dài, giúp giảm áp lực ngân sách công và đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án.

Tuyến đường sắt cao tốc dự kiến sẽ giúp hành khách di chuyển nhanh giữa Hà Nội và TP.HCM với vận tốc tối đa lên đến 350km/h, biến giấc mơ “ăn sáng tại Hà Nội, ăn trưa tại TP.HCM” trở nên khả thi. 

Mục tiêu VinSpeed đặt ra là khởi công trước tháng 12/2025 và hoàn thành trước tháng 12/2030, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ (khởi công trước năm 2030, cơ bản hoàn thành năm 2035. và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045).

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng tuyến đường, VinSpeed còn đặt kế hoạch phát triển một chuỗi công nghiệp đường sắt trong nước, từ sản xuất đầu máy toa xe, hệ thống tín hiệu đến đào tạo nhân lực kỹ thuật cao. Đơn vị này đang tích cực hợp tác với các đối tác công nghiệp lớn từ Nhật Bản, Đức và Trung Quốc nhằm tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại.

Song song với đó, VinSpeed cũng dự kiến phát triển các đô thị thông minh theo mô hình phát triển định hướng giao thông (TOD) tại các khu vực ga, phối hợp cùng Vingroup và Vinhomes, nhằm tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, nâng cao giá trị sử dụng và đảm bảo nguồn thu bền vững cho dự án.

VinSpeed, thành viên mới của hệ sinh thái do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, đang dần khẳng định vị thế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng quan trọng. Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của phát triển giao thông Việt Nam trong thập kỷ tới, hiện thực hóa giấc mơ di chuyển nhanh chóng và tiện lợi giữa hai đầu đất nước.

Theo các chuyên gia đường sắt tính toán nếu đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, với tốc độ trung bình khoảng 350km/h thì đi từ Hà Nội vào TP HCM chỉ mất khoảng gần 6 tiếng, tính cả giờ dừng đỗ ở các ga (quãng đường 1.540km), từ Hà Nội vào Vinh - Nghệ An mất hơn 1 tiếng.

Do vậy, thay vì lựa đi máy bay và đường bộ thì người dân có thể lựa chọn đi tàu tốc độ cao, có thể “ăn sáng ở Hà Nội và ăn trưa tại TP HCM" bằng đường sắt.

“Bay từ Hà Nội vào TP.HCM chúng ta mất 5 tiếng từ trung tâm nọ đến trung tâm kia, phải thay đổi phương thức vận tải nhiều lần, nhưng với tốc độ hơn 300 km/giờ, chúng ta chỉ mất chưa đến 6 tiếng để vào TP.HCM, kể cả dừng đỗ ở ga, vì đường sắt từ Hà Nội vào TP.HCM là 1.540 km. Đấy là đường sắt tốc độ cao trong tương lai”, ông Vũ Anh Minh, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.


Xem thêm tại cafef.vn