Global Pacific (PCT) “chơi lớn” với đội tàu mới

Áp lực tài chính

Ngày 14/5/2025, Global Pacific đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để tài trợ phương án đóng mới 4 tàu chở dầu/hóa chất có trọng tải 25.900 DWT. Tổng giá trị khoản vay lên tới 3.800 tỷ đồng. Toàn bộ 4 tàu và các tài sản hình thành từ khoản vay sẽ được dùng làm tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ tín dụng của doanh nghiệp.

Đây là bước tiếp theo trong kế hoạch mở rộng đội tàu của Global Pacific được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào cuối tháng 3/2025. Cụ thể, Công ty sẽ dành tối đa gần 192 triệu USD (tương đương 4.894,8 tỷ đồng theo tỷ giá tạm tính là 25.500 đồng/USD) để đóng mới 4 tàu, trong đó 80% được xác định là nguồn vốn vay ngân hàng.

Theo Global Pacific, việc đầu tư đội tàu mới là khả thi, khi năm 2025, nhu cầu vận tải được dự báo tiếp tục tăng trưởng, nhờ vào sự phát triển mới của ngành công nghiệp hoá chất, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Trong khi đó, nguồn cung tàu mới dự kiến sẽ hạn chế do các quy định về môi trường ngày càng nghiêm ngặt. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ giá cước vận tải và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải hoá chất.

Global Pacific tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ - Vận tải Dầu khí Cửu Long được thành lập ngày 4/6/2007 với các cổ đông sáng lập là PV Gas, PVTrans và PV Gas South.

Ban đầu, Global Pacific hoạt động trong lĩnh vực vận tải khí bằng taxi chạy bằng LPG, CNG, cho thuê xe và kinh doanh nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, sau khi cổ đông sáng lập cuối cùng là PVTrans thoái toàn bộ vốn năm 2018, Công ty tái cấu trúc hoạt động và chấm dứt mảng vận tải xe, chuyển hướng sang vận tải biển. Hiện tại, doanh nghiệp tập trung vào quản lý, khai thác tàu và vận tải biển chuyên chở dầu, hóa chất.

Kể từ khi chuyển hướng sang kinh doanh mảng vận tải biển năm 2018, tổng tài sản của Global Pacific tăng 6,7 lần tính đến cuối năm 2024, từ 284 tỷ đồng lên 1.898,7 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 2.277,6 tỷ đồng khi kết thúc quý I/2025. Trong tháng đầu năm 2025, Công ty đã mua lại tàu số 05 mang tên PCT-Artemis.

Cùng với việc tăng mạnh quy mô tài sản, nguồn vốn của Global Pacific cũng không ngừng tăng lên, nhưng cấu trúc vốn được tài trợ chủ yếu bằng nợ vay. Giai đoạn 2018 trở về trước, Công ty không có nợ vay. Sau khi chuyển đổi hoạt động kinh doanh chính, tính cuối năm 2024, tổng nợ vay của doanh nghiệp tăng lên 1.163,9 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 1.532,2 tỷ đồng vào cuối quý I/2025, tức tăng thêm xấp xỉ 32% chỉ sau 3 tháng và chiếm 95% tổng nợ phải trả (1.606 tỷ đồng).

Điều này kéo theo chi phí lãi vay của Global Pacific tăng nhanh. Trong năm 2024, chi phí lãi vay của doanh nghiệp ở mức 72,7 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023. Năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng mạnh khi Công ty bắt đầu ghi nhận khoản vay 3.800 tỷ đồng của MB. Riêng quý I, chi phí lãi vay của doanh nghiệp là 29,3 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng gần gấp đôi lãi sau thuế 15,2 tỷ đồng.

Việc nợ vay tăng cao khiến hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của Global Pacific chạm mức 2,39 vào cuối quý I/2025, trong khi một số doanh nghiệp cùng quy mô trong ngành như GSP hay PDV, hệ số này chỉ ở mức 0,9 - 1,05.

Để hạ hệ số D/E xuống mức an toàn hơn, Global Pacific đang triển khai kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu, cụ thể là hoàn thiện hồ sơ chào bán hơn 33,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:2, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Cơ cấu cổ đông lớn biến động mạnh

Trước khi ký hợp đồng vay 3.800 tỷ đồng, chi phí lãi vay của Global Pacific trong quý I/2025 là 29,3 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng gần gấp đôi lãi sau thuế 15,2 tỷ đồng.

Giữa tháng 5 vừa qua, ông Đỗ Anh Việt, cổ đông lớn nhất, từng nắm giữ tới 26,57% cổ phần và là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Global Pacific giai đoạn 2018 - 2019 đã thoái toàn bộ hơn 13,3 triệu cổ phiếu PCT. Động thái này đánh dấu sự rút lui hoàn toàn của nhà đầu tư từng gắn bó hơn 7 năm với Công ty.

Trong khi đó, ông Đặng Nguyên Đăng mua vào gần 10,8 triệu cổ phiếu PCT, tương đương tỷ lệ sở hữu 21,57% (trước đó, ông Đăng không sở hữu cổ phiếu PCT). Ông Cao Đức Sơn nâng tỷ lệ sở hữu lên 23,56%, sau khi mua thêm hơn 2,5 triệu cổ phiếu PCT. Hai cổ đông lớn khác tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp là bà Trần Thị Thu Hà (22,29%) và ông Trần Vọng Phúc (22,13%).

Hiện tại, gần 90% cổ phần Global Pacific đang được các cổ đông cá nhân sở hữu. Doanh nghiệp chỉ có một cổ đông tổ chức là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam và cũng chỉ nắm giữ 2,41% cổ phần.

Đáng lưu ý, các cổ đông lớn không đảm nhiệm bất kỳ vai trò điều hành hay quản trị nào trong Global Pacific. Ngược lại, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại nắm giữ vị trí trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành không sở hữu một cổ phiếu nào.

Chưa kể, một số người có mối liên hệ với Công ty cổ phần Vận tải Nhật Việt (NVTrans), đơn vị mà Global Pacific đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc ký hợp đồng cho thuê tàu trần với tổng giá trị giao dịch dự kiến là 48,18 triệu USD, thời hạn 10 năm - có quyền chọn mua tàu với giá 24 triệu USD sau khi kết thúc hợp đồng.

Cụ thể, ông Trần Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Global Pacific đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị NVTrans. Ông Lê Anh Nam, thành viên Hội đồng quản trị độc lập Global Pacific đồng thời là Phó giám đốc NVTrans. Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó giám đốc Global Pacific đồng thời là thành viên Ban kiểm soát NVTrans.

Như vậy, các thành viên Ban lãnh đạo Global Pacific không có ràng buộc lợi ích tài chính trực tiếp với doanh nghiệp, nhưng lại có vị trí quản lý, điều hành tại bên thuê tàu có thời hạn thuê kéo dài tới 10 năm.

Cơ cấu cổ đông của Global Pacific đang cho thấy một thực tế: quyền lực nằm trong tay một nhóm cổ đông cá nhân không trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh và một bộ máy quản trị, điều hành không có lợi ích gắn bó trực tiếp với doanh nghiệp nhưng lại liên quan mật thiết đến đối tác.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn