Go-live KRX, tại sao khó?

Những bài học không cũ

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận những kỷ lục trong quý I/2024 khi có những phiên giao dịch với giá trị đạt gần 48.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh tiền rẻ, lãi suất thấp, các kênh đầu tư như bất động sản còn khó khăn, vàng trồi sụt thất thường, tiền kỹ thuật số chưa được thừa nhận chính thức, chứng khoán được dự báo tiếp tục thu hút dòng tiền lớn. Đà tăng trưởng của thị trường còn dựa trên nền tảng là lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, nền kinh tế đã qua đáy khó khăn. Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) dự phóng mức lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trung bình 15% trong năm 2024. Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ có những phiên giao dịch đạt kỷ lục mới, thanh khoản trên thị trường tiếp tục gia tăng.

Với các tín hiệu tích cực của thị trường, câu chuyện hệ thống công nghệ được quan tâm và cũng đang nhen nhóm kỳ vọng khi hàng loạt hành động để chuẩn bị cho việc chính thức vận hành hệ thống KRX đang được thực hiện.

Với lượng giao dịch liên tục tăng trưởng, hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ tiếp tục trang bị cho thị trường chứng khoán Việt Nam nền tảng đủ mạnh, giúp nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn (lên đến 4 tỷ USD mỗi phiên), giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay (từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn) và giải quyết các vấn đề cần thiết nâng cấp lên thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, việc đưa vào một hệ thống mới không hề đơn giản, bởi vậy, sự thận trọng của cơ quan quản lý thị trường là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là có thể hiểu được. Nhìn lại hệ thống hiện tại và câu chuyện “giải cứu” của FPT từ cách đây 3 năm để thấy hành trình công nghệ sàn HOSE cũng như những bài học cho lần chuyển giao mới.

Không thể phủ nhận tính phức tạp của một hệ thống lớn, có tác động mạnh mẽ như sàn HOSE, khi một tác động hay lỗi nhỏ cũng có thể tạo nên “xáo trộn” của thị trường.

Theo các thông tin đã được chia sẻ, hệ thống được thiết kế đạt mức 3 triệu lệnh và dự phòng 5 triệu lệnh – gấp 3 lần hệ thống trước đó. Thứ hai, hệ thống làm được một thay đổi lớn là bỏ cơ chế phân bổ lệnh, các CTCK có thể đẩy lệnh theo năng lực của họ. Thứ ba, quan trọng nhất là việc làm chủ hệ thống, gồm làm chủ quá trình, giám sát khắc phục sự cố và khi thị trường quá tải, chủ động nâng cấp ứng dụng, có thuật toán để đáp ứng tăng trưởng của thị trường thời gian qua.

Thời điểm đưa hệ thống vào vận hành, mặc dù với thách thức “nghẹt thở” về thời gian, nhưng quá trình go-live được thực hiện với sự tính toán chặt chẽ. Hơn 100 kỹ sư và chuyên gia công nghệ giàu kinh nghiệm của FPT đã được huy động cho dự án trong giai đoạn 100 ngày đầu. Hàng trăm tình huống kiểm thử đã được các bên triển khai, trong đó có cả việc tham vấn các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước để mô phỏng các tình huống có thể xảy ra trong giao dịch. Trước khi go-live, nhóm chuyên gia dự án đã xây dựng tới hơn 50 kịch bản rủi ro có thể xảy ra, từ đó thuyết trình với các bên liên quan và cả lãnh đạo FPT để các bên có thể thống nhất được ngày "bấm nút" chạy chính thức.

Với đặc điểm làm chủ công nghệ và đội ngũ vận hành liên tục, hệ thống cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường, dựa trên tính chất linh hoạt điều chỉnh. Hiện nay, theo đánh giá của FPT, số lượng lệnh hoàn toàn có thể đạt đến mức 8 - 10 triệu lệnh nếu được yêu cầu và thực hiện một số hiệu chỉnh đối với hệ thống hiện tại. Tuy nhiên, do được đặt hàng ở mức độ đơn giản nên nếu đòi hỏi năng lực lệnh ở quy mô lớn hơn và những đòi hỏi cao hơn trong việc triển khai sản phẩm mới, sẽ cần một hệ thống mới đòi hỏi độ phức tạp lớn hơn.

Để đảm bảo việc vận hành, trong 3 năm qua, Công ty Hệ thống thông tin FPT - FPT IS (nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống) đã duy trì nguồn lực hai chuyên gia trực tại HOSE và các đội phản ứng nhanh với hàng chục kỹ sư sẵn sàng được “kích hoạt” khi cần để xử lý các tình huống phát sinh. Qua đó, rất nhiều tình huống, sự cố cũng như các cải tiến quan trọng đã được phối hợp xử lý để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, an toàn. Đơn cử như lần kết nối “chập chờn” từ các CTCK vào ngày 6/3 vừa qua, được biết, FPT IS đã nhanh chóng phối hợp cùng HOSE xử lý. Sau khi loại trừ nguyên nhân đến từ hệ thống lõi do FPT IS hỗ trợ vận hành, đơn vị tiếp tục rà soát các hệ thống khác và nhanh chóng tìm ra lỗi, giúp các bên liên quan kịp thời khắc phục và đảm bảo phiên giao dịch tiếp theo diễn ra ổn định.

Không thể phủ nhận tính phức tạp của một hệ thống lớn, có tác động mạnh mẽ như sàn HOSE, khi một tác động hay lỗi nhỏ cũng có thể tạo nên “xáo trộn” của thị trường. Đặc biệt, với tính chất một hệ thống lớn, chắc chắn liên quan vai trò nhiều bên thì việc đảm bảo vận hành, tương tác kết nối khi xảy ra vấn đề là một bài học lớn cần được ghi nhận.

Hệ thống “giải cứu” mà FPT xây dựng dự kiến sử dụng trong 1 năm, đã giúp cho thị trường vận hành suốt 3 năm qua và đến nay đang gần đi đến cuối con đường thực hiện sứ mệnh của nó. Thực tế cho thấy, sau hàng chục năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam cần có hệ thống giao dịch hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của các thành viên thị trường cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của kênh dẫn vốn ngày càng quan trọng với nền kinh tế. Điều quan tâm nhất lúc này là ngay trong khi đà thị trường đang tăng, chứng khoán Việt Nam thu hút sự chú ý của người dân và nhiều nhà đầu tư nước ngoài, độ mở của thị trường trở nên rất lớn, thì việc chuyển giao hệ thống giao dịch sẽ được thực hiện như thế nào?

Đòi hỏi bản lĩnh và sự can đảm

Động thái các CTCK đồng loạt thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ trực tuyến để triển khai việc kết nối vận hành KRX (trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn yêu cầu tạm dừng việc go-live) cho thấy họ đã sẵn sàng. Ghi nhận từ các CTCK cho thấy, hơn 5.000 kịch bản, tình huống giả định đã được kiểm thử, chưa thấy tình huống gì khó khăn trục trặc, bởi thế họ kỳ vọng khi đưa hệ thống vào vận hành sẽ trơn tru, mượt mà, không bị lỗi. Về phần mình, CTCK kỳ vọng hai yếu tố mới sau khi KRX đi vào vận hành, đó là thanh khoản thị trường tăng vọt, một số sản phẩm mới được cấp phép như giao dịch trong ngày, bán khống...

Với sự chuẩn bị có lộ trình và kỹ lưỡng, các đơn vị và nhà đầu tư tin tưởng lần chuyển giao hệ thống này sẽ thành công. Việc nhanh chóng đưa hệ thống KRX vào vận hành chính thức sẽ tiếp tục tạo niềm tin của thị trường, với tính chuẩn hoá của hệ thống đã và đang được khẳng định, đưa chứng khoán Việt Nam hội nhập với các nền chứng khoán tiên tiến như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipines…

Tuy nhiên, công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy một thực tế không đơn giản và xa hơn, dường như là sự chưa sẵn sàng của những đơn vị có trách nhiệm cao nhất với thị trường. Trước hết, đó là sự đồng bộ và năng lực của các CTCK để đưa được hệ thống KRX lên sàn.

Theo thống kê, hiện có 60 CTCK đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp thực sự hoạt động hiệu quả và sống thực trên thị trường. Go-live quan trọng nhưng còn nhiều việc quan trọng hơn sau đó. Đơn cử như kế hoạch vận hành sau go-live là gì để đảm bảo tính liên tục, thông suốt của hệ thống, đáp ứng được sự tăng trưởng nhanh, mạnh của thị trường trong giai đoạn sắp tới.

Sau khi đưa KRX vào vận hành, có lộ trình chuyển giao công nghệ cho HOSE để người Việt có thể làm chủ phần nào hệ thống, thay vì mỗi sự cố hoặc lỗi nhỏ cũng phải chờ chuyên gia nước ngoài bay sang xử lý như đã từng xảy ra với hệ thống giao dịch của Thái Lan trước đây? Nếu đưa KRX vào vận hành mà bị lỗi thì sao, có phải dự phòng một hệ thống giao dịch song song để đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của thị trường? Hệ thống FPT đã hoàn thành sứ mệnh của nó, liệu có nên dùng để dự phòng, có thể kích hoạt trở lại ngay nếu KRX sau go-live bị trục trặc hay thị trường phải tạm nghỉ vài ngày giao dịch, vì vận hành thị trường không chỉ liên quan một hệ thống đơn lẻ mà có thể liên quan nhiều bên?

Khá tình cờ, ngay trước thềm câu chuyện vận hành KRX nóng lên, chứng khoán Việt Nam đã trở thành tâm điểm với giới công nghệ khi hệ thống của Công ty Chứng khoán VNDirect bị tấn công và tê liệt tới cả chục ngày, ảnh hưởng tới hàng triệu nhà đầu tư. Sự thận trọng do đó càng cần thiết nhưng giới chuyên gia cho rằng không vì thế mà các bên liên quan trở nên quá e ngại, gây ra sự cản trở phát triển thị trường. Việc đưa hệ thống KRX vào vận hành nói riêng và chuyện công nghệ của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung đang rất cần sự tham gia, vào cuộc của các chuyên gia am hiểu, có kinh nghiệm, có năng lực.

Khi họ được tham vấn với sự cầu thị của các cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực này, trí tuệ được huy động, từ đó đưa ra các dữ liệu, căn cứ thuyết phục cho các giả định, phương án xử lý cho các tình huống có thể nảy sinh trong thực tế. Đây cũng là những chất liệu để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm có những quyết định can đảm và quyết đoán vì lợi ích chung của tất cả các bên.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn