Grab lỗ, Uber và Gojek rút lui, Xanh SM xuất hiện: Vinasun cắt giảm 16.000 nhân sự, sinh tồn với chỉ 2,4% thị phần
Chỉ sau chưa đầy ba năm thành lập, Xanh SM – thương hiệu taxi xanh được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Vingroup – đã nhanh chóng vượt mặt Grab để trở thành hãng taxi chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quý I/2025, Xanh SM dẫn đầu với 39,85% thị phần, bỏ xa Grab (35,57%). Một số tên tuổi khác như Be, Mai Linh và Vinasun, lần lượt chỉ chiếm 5,55%, 4,81% và 2,44%.
![]() |
Thị phần các hãng xe công nghệ tại Việt Nam đến cuối quý I/2025 |
Cuộc chuyển giao thị phần giữa các "ông lớn" đang diễn ra quyết liệt ở nhóm dẫn đầu, còn nhóm phía sau – đặc biệt là những hãng truyền thống như Vinasun – lại đang loay hoay tìm cách thích nghi với bối cảnh mới: Ít thị phần hơn, ít vốn hơn và đặc biệt là ít cơ hội tiếp cận dòng tiền hơn.
Vinasun - Từ đỉnh cao đến áp lực sinh tồn
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) được thành lập từ năm 1995, từng là biểu tượng ngành vận tải taxi tại khu vực phía Nam. Giai đoạn đỉnh cao năm 2016, Vinasun sở hữu tới 6.141 xe, ghi nhận doanh thu 4.520 tỷ đồng và lãi ròng 313 tỷ – đứng đầu thị trường taxi truyền thống.
Tuy nhiên, cùng với làn sóng công nghệ tràn vào thị trường Việt, đặc biệt từ Grab, Uber và sau này là Be, hành vi tiêu dùng của khách hàng dần thay đổi. Yếu tố tiện lợi, giá rẻ và khả năng truy vết dịch vụ qua app đã khiến taxi công nghệ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Vinasun bắt đầu tụt dốc kể từ đó.
Tính đến cuối năm 2024, đội xe của công ty giảm còn 2.418 chiếc, số lượng nhân sự còn 1.549 người – giảm tới 15.611 người so với năm 2016. Riêng năm 2024, công ty đã cắt giảm gần 300 lao động; ba tháng đầu năm 2025 tiếp tục giảm thêm 56 người.
“Bài toán tiền” và khoảng cách ngày càng xa
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, Phó Tổng Giám đốc Vinasun – ông Trần Anh Minh – thẳng thắn thừa nhận sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Ông cho biết, chỉ sau 2 năm hoạt động, Xanh SM đã tăng vốn lên tới 18.000 tỷ đồng. Grab cũng đã huy động tổng cộng hơn 12 tỷ USD kể từ khi thành lập.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu hiện tại của Vinasun chỉ hơn 1.000 tỷ đồng – một con số khiêm tốn nếu so với "hỏa lực tài chính" mà các đối thủ đang tạo ra.
Ông Minh bình luận thêm: “Trong ngành taxi, đây là cuộc chơi đường dài. Grab sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa có lãi. Tính đến cuối năm 2024, họ đang gánh lỗ lũy kế khoảng 3.000 tỷ đồng”. Tuy nhiên, với dòng vốn dồi dào và khả năng đốt tiền lâu dài, Grab và các đối thủ vẫn có thể mở rộng quy mô và duy trì vị thế dẫn đầu.
Trước bối cảnh này, Vinasun đang triển khai chiến lược tái cơ cấu để tồn tại, bắt đầu bằng việc chuyển đổi dần sang xe hybrid. Năm 2025, công ty dự kiến bổ sung khoảng 400 xe Toyota hybrid mới, đồng thời thanh lý 500 xe cũ. Mô hình kinh doanh cũng được chuyển hướng sang hình thức thương quyền – bán xe trả chậm cho tài xế nhằm giảm áp lực chi phí vận hành.
Dự kiến đến cuối năm 2025, tổng số xe hoạt động sẽ là 2.368 chiếc – giảm nhẹ so với hiện tại nhưng tối ưu về cấu trúc đội xe.
![]() |
Tình hình tài chính của Vinasun 4 năm gần nhất |
Quý I/2025, Vinasun ghi nhận 234 tỷ đồng doanh thu và 14,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – mức lãi khiêm tốn nhưng cho thấy nỗ lực duy trì hoạt động trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Có nỗi lo thâu tóm?
Ở chiều ngược lại, Grab – đối thủ trực tiếp của Vinasun – đang trong quá trình đàm phán thâu tóm GoTo, công ty mẹ của Gojek. Thương vụ nếu thành công có thể giúp Grab gia tăng đáng kể sức mạnh tại Đông Nam Á. Theo Reuters, Grab đang làm việc với cố vấn tài chính và ngân hàng để chuẩn bị nguồn lực cho thương vụ, định giá ước tính có thể lên tới 7 tỷ USD.
Nếu sáp nhập thành công, Grab không chỉ mở rộng nguồn lực mà còn xóa bỏ một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong khu vực. Trong khi đó, cổ phiếu Grab trên sàn Nasdaq hiện đã tăng lên gần 20 tỷ USD vốn hóa – một con số vượt xa tầm với của các hãng taxi nội địa truyền thống như Vinasun.
Khi thị trường taxi đang bước vào kỷ nguyên “công nghệ hóa” toàn diện, các doanh nghiệp như Vinasun đang đối mặt với câu hỏi sinh tồn: Thích nghi hay bị đào thải. Trong một cuộc chơi không còn đơn thuần là vận tải, mà là bài toán về dòng tiền, công nghệ và tốc độ, liệu một “cựu vương” có còn cơ hội để trở lại?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn