Hậu tái cơ cấu, "đại gia" bán lẻ nội địa đặt mục tiêu có lãi từ 2025

Ngày 25/4, tại TP. Hồ Chí Minh, CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) và hai công ty thành viên Masan Consumer (mã CK: MCH- UPCoM), Masan MEATLife (mã CK: MML- UPCoM) đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024. 

Tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WCM, cho biết chuỗi siêu thị mini đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu trong năm 2023, giúp mang đến những cải thiện đáng kể về hiệu quả tài chính với doanh thu tăng lên 7.957 tỷ đồng, đánh dấu mức tăng trưởng 9% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, WCM đạt được EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay) hàng nhu yếu phẩm dương trong ba quý liên tiếp, đồng thời ghi nhận 2.205 cửa hàng có EBIT dương. Dự kiến WCM sẽ có lãi ròng sau thuế dương từ quý 1/2025.

Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Masan thông qua chia 100% cổ tức năm 2023: thống nhất để HĐQT lên kế hoạch xét phân phối lợi nhuận sau thuế còn lại đến 31/12/2023 và tạm ứng cổ tức 2024. Thời hạn xây dựng kế hoạch trong thời hạn 1 tháng.

Ở mảng sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc của Masan Consumer Holdings (MCH), cho biết MCH đã gầy dựng thành công 5 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 triệu đến 250 triệu USD: Kokomi, Omachi, CHIN-SU, Nam Ngư và Wakeup 247, đóng góp vào 80% tổng tăng trưởng doanh thu.

MCH đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường mục tiêu bằng cách tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà (“Home meal replacement” hay “HMR”) và thay thế bữa ăn tại nhà hàng (“Restaurant meal replacement” hay “RMR”) cho người tiêu dùng. Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô, thực hiện chiến lược “Go Global” và trở thành công ty hàng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ mô hình FMCG mới. Masan Consumer đặt mục tiêu đạt 10 – 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu, đưa thương hiệu Việt ra thế giới. 

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group, nhấn mạnh để hiện thực hoá các mục tiêu tham vọng trên, Masan tập trung vào công thức: Tăng trưởng mạnh lưới, tăng trưởng thị phần chi tiêu (mở rộng thị trường mục tiêu cho những thương hiệu mạnh của Masan, tăng trưởng hội viên (kết nối nhãn hàng, nhà bán lẻ và người tiêu dùng) và tiếp tục đầu tư cho hệ thống hậu cần logistics và trí tuệ nhân tạo.

Hậu tái cơ cấu, "đại gia" bán lẻ nội địa đặt mục tiêu có lãi từ 2025 - Ảnh 1
Nhà đầu tư tham dự ĐHCĐ của Masan. Ảnh Phạm Vân

Ban lãnh đạo tập đoàn cũng cho biết đã tăng cường và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán của Masan đồng thời bảo vệ công ty khỏi những bất ổn vĩ mô tiềm tàng. Ngày 22/4, Masan đã hoàn tất huy động vốn cổ phần 250 triệu USD từ Bain Capital. Khoản đầu tư này sẽ tăng cường nguồn lực tài chính của Masan, nâng cao tính thanh khoản của công ty với lượng tiền mặt tăng thêm 6.228 tỷ đồng và nợ ròng/EBITDA giảm về mức 3,7 lần. Masan tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chiến lược thay thế để giảm nợ và từ đó giúp giảm chi phí lãi vay. 

Theo báo cáo của công ty vào cuối năm 2023, Masan đã phòng ngừa 100% rủi ro nợ dài hạn bằng đồng USD với các điều khoản hợp lý, phù hợp với chính sách quản lý rủi ro của công ty. Do đó, việc đồng USD tăng giá gần đây không gây ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của công ty. 

Năm 2024, Masan dự kiến ​​doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ năm trước. Các mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi vẫn được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế thuần cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số (Core NPAT Pre – MI) dự kiến ​​sẽ nằm trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỷ đồng trong năm 2023.

Xem thêm tại vneconomy.vn