Hòa Phát đầu tư sản xuất ván sàn cao cấp, mục tiêu lọt top 3 doanh nghiệp lớn nhất sau 5 năm

Hòa Phát đầu tư sản xuất ván sàn cao cấp, mục tiêu lọt top 3 doanh nghiệp lớn nhất sau 5 năm- Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất ván sàn Hòa Phát

Ván sàn sẽ là sản phẩm mới trong hệ sinh thái sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG).

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long cho biết: “Ngoài sản xuất ván sàn container, Hòa Phát sẽ sản xuất các loại ván cao cấp để phục vụ nhu cầu của các ngành nội thất, giao thông, xây dựng trong và ngoài nước. Mục tiêu của Tập đoàn là lọt Top 3 doanh nghiệp sản xuất ván sàn tại Việt Nam vào năm 2030”.

Công ty sản xuất ván sàn là thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 5/2/2024, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ván sàn các loại, nhằm mở rộng dải sản phẩm của Tập đoàn, đồng thời hoàn thiện chuỗi giá trị container.

Công ty đã đầu tư Nhà máy sản xuất ván sàn container đặt tại lô số 35, đường Đ.12, Khu công nghiệp Châu Đức, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để sản xuất ván sàn chất lượng cao nhất, Hòa Phát đầu tư dây chuyền sản xuất ván hiện đại nhất. Công suất của nhà máy dự kiến là 70.000 m3/năm (tương đương 2,5 triệu m2 sản phẩm/năm). Hiện nay nguyên liệu cho sản xuất gồm tre và cây cao su từ rừng trồng tại Việt Nam, tuân thủ các tiêu chuẩn FSC, sử dụng hỗn hợp vật liệu keo PF, MUF, cốt tre và ván lạng. Sản phẩm ván sàn của công ty đáp ứng tất cả các tiêu chí kỹ thuật của ván sàn container với các chứng nhận EPA, CARB, FDA.

Với ưu thế sử dụng công nghệ ép nóng, lực ép lên đến 2.800 tấn có nhiều tầng ép và áp lực lớn nhất hiện nay, ván sàn Hòa Phát có đặc tính khác biệt cao hơn so với ván sàn thông thường, khả năng chịu lực vượt trội tới 7.260 kg/cm2, chịu ẩm, chịu lực, chống nước, chống cháy… Bằng công nghệ hiện đại, Hòa Phát tự tin cung cấp sản phẩm ván sàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2025 Hòa Phát đặt mục tiêu khá tham vọng với 170.000 tỷ đồng doanh thu và 15.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tại dự án Dung Quất 2, giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động từ cuối quý I và có thể sản xuất 1,4 triệu tấn thép HRC, tăng 47% so với năm 2024.

Giai đoạn 2 dự kiến sẽ vận hành từ tháng 9/2025, đầu năm 2026 và có thể vận hành tối đa công suất trong năm 2028 với 5,6 triệu tấn HRC/năm. Sau khi dự án Dung Quất giai đoạn 2 hoàn thành sản lượng thép của Hòa Phát có thể đạt khoảng 15 triệu tấn.

Về việc tham gia các dự án đường sắt như dự án đường sắt tốc độ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, Hòa Phát được giao nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt là sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và đường sắt đô thị.

Kết thúc quý I, Hòa Phát đạt hơn 37.900 tỷ đồng doanh thu và 3.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 22% và 16% so với cùng kỳ 2024.

Xem thêm tại cafef.vn