Hơn 200 doanh nghiệp đưa trái phiếu lên sàn giao dịch, thanh khoản tăng mạnh

Ông Nguyễn Anh Phong, Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, sau gần 5 tháng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tập trung đi vào hoạt động đã thúc đẩy hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp.

Cụ thể, ngày đầu tiên giao dịch (19/7/2023), sàn có 19 trái phiếu của 3 doanh nghiệp tham gia đăng ký giao dịch. Đến nay, đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký. Như vậy, khoảng 2/3 các doanh nghiệp cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này.

-9601-1701848611.jpg

Hiện nay, trung bình một phiên giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung là trên 3.000 tỷ đồng.

Quy mô giao dịch cũng tăng trưởng mạnh so với ngày giao dịch đầu tiên. Hiện nay, trung bình một phiên giao dịch của hệ thống là trên 3.000 tỷ đồng. Tổng gần 5 tháng kể từ khi hệ thống đi vào hoạt động đến nay, giá trị giao dịch trung bình đạt 1.200 tỷ đồng/phiên.

“Đây là tín hiệu rất tốt đối với thanh khoản trên thị trường. Điều này cũng góp phần quay ngược tác động lại thị trường phát hành sơ sấp”, ông Phong cho biết.

Theo HNX, hiện nay, tất cả thông tin về giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ được tổng hợp trên chuyên trang thông tin về TPDN riêng lẻ. Nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý có thể tổng hợp các thông tin này để đưa ra những nhận định, đánh giá cũng như có chính sách phù hợp đối với thị trường theo từng giai đoạn.

“Rất mừng là từ khi hệ thống đi vào hoạt động đến giờ rất suôn sẻ, qua đó tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Kể từ tháng 7 trở lại đây, cùng với tác động của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì việc đưa hệ thống tra cứu riêng lẻ này vào hoạt động, các hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp đã quay trở lại tích cực hơn. Thống kê của chúng tôi trong 5 tháng, tính từ tháng 7 đến nay thì số lượng khoảng hơn 180.000 tỷ, tức là gấp 5 lần so với 6 tháng đầu năm. Điều này cũng thể hiện chính sách đã đi vào cuộc sống và thị trường có niềm tin trở lại”, ông Phong đánh giá.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cũng cho rằng việc đưa vào vận hành thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ thứ cấp trong thời gian nhanh chưa từng có tiền lệ cũng giúp hỗ trợ rất lớn cho việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường, đóng góp lớn trong việc tăng thanh khoản thị trường và tính minh bạch.

Nếu như trước đây, các nhà đầu tư thứ cấp chỉ có thể thông qua hệ thống phân phối, bên môi giới bán hàng để tiếp cận thông tin và thông tin được truyền tải một cách không đầy đủ, thì hiện nay, thông qua thị trường trái phiếu tập trung, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền và có khả năng tiếp cận được đầy đủ tất cả thông tin mà họ muốn tiếp cận. Từ đó giảm thiểu rủi ro là các hệ thống phân phối đưa ra những mời chào quá mức hay lời hứa đây là những sản phẩm không rủi ro...

“Tôi nghĩ rằng việc vận hành thị trường TPDN riêng lẻ này đóng một vai trò rất quan trọng đem lại tính minh bạch cho thị trường, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân”, bà Ngọc Anh phân tích.

Theo các chuyên gia, càng nhiều trái phiếu được đăng ký giao dịch trên sàn tập trung, giá trị giao dịch càng tăng mạnh qua từng tuần, từng tháng. Điều này giúp hoạt động phát hành mới của các tổ chức được thuận lợi hơn khi mọi thông tin được công khai, minh bạch.

Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho biết ngân hàng đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với lãi suất thấp, góp phần cân đối được quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn có hiệu lực từ đầu tháng 10.

"Tiếp cận được nguồn vốn trung, dài hạn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như các nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi, thông qua đó, ngân hàng đã có tỷ lệ dự trữ, tỷ lệ trung, dài hạn đảm bảo yêu cầu của các cơ quan hữu quan. Do đó, chúng tôi có tiềm lực giảm giá thành cho vay đối với các doanh nghiệp", ông Trung nói.

Ngày 6/12, trong thông cáo báo chí về lĩnh vực TPDN, Bộ Tài chính đánh giá thị trường TPDN bắt đầu phục hồi do một số nhà đầu tư quan tâm trở lại đến TPDN khi mức lãi suất tốt hơn so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng khi đầu tư TPDN và phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro trước khi mua TPDN.

Đồng thời, Bộ Tài chính cho biết đối với chính sách ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hiện nay Bộ Tài chính đang đánh giá tác động và tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, các hiệp hội và thành viên thị trường để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 1/12/2023, đã có 35 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 11 với tổng giá trị hơn 29.331 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8,2%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm. Trong đó, có gần 13.000 tỷ đồng đến từ nhóm ngành Ngân hàng (chiếm 44% tổng giá trị phát hành) còn lại đến từ Tài chính, Vận tải, Nông nghiệp, Bất động sản,...

Các doanh nghiệp đã mua lại 10.664 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 11. Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 26.761 tỷ đồng. 46% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 12.372 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 4.030 tỷ đồng (chiếm 15%).

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn