Vậy, chúng ta có thể hiểu thế nào về khái niệm hợp đồng giả cách? Và đâu là những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia vào các giao kết hợp đồng này? Những phân tích, chia sẻ của Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Luật sư thành viên cấp cao, PGĐ Công ty Luật TNHH BizLink Việt Nam đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
![]() |
1. Trước tiên xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Đức Mạnh đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Vâng, chúng ta cần hiểu thế nào là hợp đồng giả cách thưa ông? Và thực tế hợp đồng giả cách được sử dụng trong những trường hợp như thế nào? Ông phân tích rõ để độc giả có thể nắm được?
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh trả lời:
“Hợp đồng giả cách” chỉ là cách gọi thông thường của người dân. Dưới góc độ pháp luật Việt Nam chỉ có quy định về “giao dịch dân sự giả tạo”. Cụ thể, theo Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự giả tạo được xác lập trong hai trường hợp: Thứ nhất, các bên xác lập hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác; Thứ hai, các bên xác lập hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba. Hệ quả là, giao dịch dân sự đó sẽ bị vô hiệu.
Như vậy, có thể hiểu rằng “hợp đồng giả cách” hay “giao dịch giả tạo” là một giao dịch không phản ánh chính xác ý chí đích thực của các bên khi tham gia giao dịch đó. Ví dụ 1: trong lĩnh vực mua bán bất động sản, các chủ thể thường sử dụng hợp đồng giả cách, xác định giá hợp đồng theo khung giá nhà nước, nhưng thực tế lại áp dụng giá thị trường để giao dịch nhằm trốn thuế với cơ quan nhà nước; Ví dụ 2: ông A vay tiền của ông B. Để đảm bảo việc ông A trả tiền, ông B yêu cầu ông A phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất sang cho ông B, nhưng khi ông A trả tiền ông B thì ông B đã bán tài sản cho người khác.
Hợp đồng giả cách có tính rủi ro cao, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới cho người dân, doanh nghiệp và gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan thực thi pháp luật. Dựa trên kinh nghiệm trong quá trình hành nghề, tôi thấy hợp đồng giả cách thường được các bên xác lập với ba mục đích là: Thứ nhất, nhằm đảm bảo các giao dịch thật; Thứ hai, nhằm che đậy một hợp đồng vi phạm pháp luật; Thứ ba, nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba.
![]() |
2. Vậy với những thông tin mà ông vừa phân tích và chia sẻ thì các bên trong hợp đồng giả cách có thể phải đối diện với những hệ quả pháp lý như thế nào ạ?
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh trả lời:
Như tôi đã trình bày ở trên, hợp đồng giả cách có tính rủi ro cao, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới cho người dân và doanh nghiệp. Thông thường, việc các bên xác lập hợp đồng giả cách là do thiếu hiểu biết hoặc bên yếu thế biết nhưng do cấp bách hoặc vì một lý do nào khác mà họ vẫn phải tham gia ký kết (ví dụ như người cần tiền phải đi vay nóng).
Theo pháp luật, hợp đồng giả cách hay giao dịch giả tạo là các giao dịch vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể giải quyết theo cách đó, vì trên thực tế, nhiều người là bên bị thiệt hại, yếu thế không có đủ bằng chứng để chứng minh được hợp đồng đó là hợp đồng giả cách dẫn đến hệ quả là bị mất tài sản, mất nhà, mất cửa, mất danh dự, gia đình, vợ con ly tán.
Những chủ thể tham gia “hợp đồng giả cách” không chỉ có thể phải gánh chịu các rủi ro liên quan đến trách nhiệm dân sự mà còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với các tội liên quan như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,...
3. Vậy các chủ thể có nên lựa chọn hợp đồng giả cách trong các giao dịch dân sự không thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh trả lời:
Theo quan điểm của tôi thì KHÔNG nên giao kết các hợp đồng giả cách trong các giao dịch dân sự. Bởi lẽ, theo pháp luật, hợp đồng giả cách hay giao dịch giả tạo là các giao dịch vô hiệu. Việc các bên ký kết một hợp đồng giả cách sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đó mà còn có thể làm phát sinh các hậu quả pháp lý như đã phân tích ở trên.
4. Và ông có lời khuyên gì cho các chủ thể để tránh rơi giao kết hợp đồng giả cách hoặc đã đang tham gia vào quan hệ hợp đồng giả cách thì cần phải lưu ý những vấn đề gì thưa ông?
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh trả lời:
Có thể thấy rằng giao kết hợp đồng giả cách gây ra rất nhiều rủi ro cho các chủ thể, dẫn đến không chỉ là các trách nhiệm dân sự mà còn cả trách nhiệm hình sự với các tội liên quan như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do vậy, khi tham gia bất cứ một giao dịch dân sự nào, các chủ thể trước tiên cần phải giữ bình tĩnh, cân nhắc kỹ để có những quyết định sáng suốt, lường trước được những nguy cơ, rủi ro, hậu quả có thể phải gánh chịu nếu vô tình hay cố ý tham gia vào các giao dịch giả tạo. Các chủ thể nên liên hệ và tham vấn ý kiến từ các chuyên gia pháp lý và các luật sư để nhận được lời khuyên phù hợp và cân nhắc xem có nên tham gia các giao dịch giả tạo không.
Đối với các chủ thể là bên yếu thế đã và đang tham gia hợp đồng giả cách, cần thu thập các chứng cứ liên quan đến việc xác lập giao dịch và thực hiện giao dịch để chứng minh được mục đích thực sự của giao dịch và ý chí thực sự của các bên khi tham gia giao dịch. Bởi lẽ, trên thực tế, để chứng minh một giao dịch dân sự là “giả tạo” và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố giao dịch giả tạo này là vô hiệu là không hề dễ dàng.
Đồng thời, các chủ thể này cũng cần nhanh chóng tìm ra các phương án phù hợp để thoát khỏi các giao dịch, hợp đồng giả cách đó càng sớm càng tốt. Các chủ thể này cũng nên tham khảo thêm ý kiến của luật sư để được tư vấn về các phương án, biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật, hoặc cần báo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật như vậy.
Xin cảm ơn Ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!